Cơ thể bạn được cấu tạo để vận động và việc dành quá nhiều thời gian ngồi tại chỗ, không vận động có thể gây ra nhiều tiêu cực đến sức khỏe. Điều này có vẻ đúng ngay cả khi bạn tập thể dục thường xuyên.
Edward Coyle, Tiến sĩ, giáo sư và giám đốc của phòng thí nghiệm Hiệu suất Con người tại Đại học Texas ở Austin, cho biết: “Những tác động xấu của việc không hoạt động tách biệt với những tác động tốt của việc tập thể dục”. “Ngay cả khi tập thể dục thường xuyên, mà bạn vẫn ngồi cả ngày, thì bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong cao hơn”. Các hướng dẫn hiện tại khuyến nghị người lớn nên dành ít nhất 150 đến 300 phút mỗi tuần cho hoạt động thể chất cường độ vừa phải.
Ngồi quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên The Journal of Nutrition, Health, and Aging, có mối quan hệ liên quan giữa thời gian ngồi và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tử vong. Nói cách khác, một người càng dành nhiều thời gian để ngồi thì nguy cơ mắc các bệnh “liên quan đến ngồi” này càng tăng lên.
Cũng theo các nghiên cứu trước đây, bất kể mức độ hoạt động thể chất của bạn như thế nào, thì việc ngồi quá nhiều đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Những hoạt động ít có sự vận động cơ thể cũng có liên quan đến triệu chứng lo âu và trầm cảm, theo một nghiên cứu đa lĩnh vực được công bố vào tháng 4 năm 2020 trên tạp chí Preventive Medicine.
Tại sao ngồi và các hoạt động ít có sự vận động cơ thể khác lại nguy hiểm đến vậy? Tiến sĩ Coyle cho biết: “Chúng tôi không biết cơ chế chính xác ở cấp độ sinh lý hoặc phân tử, nhưng có vẻ như một thứ gì đó được tạo ra khi không hoạt động và ngồi lâu. Thứ đó sẽ ảnh hưởng đến một số hệ thống trong cơ thể”.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 trên tạp chí Journal Excercise and Sport Science Reviews, tiến sĩ Coyle và các đồng tác giả đã phát hiện ra rằng việc ngồi kéo dài một giờ đã cản trở quá trình phân hủy chất béo thường xảy ra sau khi tập thể dục. Nếu bạn không hoạt động, bạn sẽ bị suy giảm quá trình oxy hóa chất béo và cũng làm giảm khả năng thanh lọc chất béo trung tính trong máu sau khi ăn.
Mối quan hệ chính xác giữa các hoạt động ít có sự vận động cơ thể và các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Perspectives in Psychiatric Care. Nếu việc ngồi lâu không tốt cho cơ thể thì nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trí của chúng ta.
Làm thế nào để không ngồi quá nhiều?
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Medicine and Science in Sports and Exercise, các tác giả đã yêu cầu mọi người ngồi liên tục 8 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, một vài người trong số đó sẽ đứng dậy năm lần mỗi giờ để tham gia vào các đợt tập thể dục cường độ rất ngắn – cụ thể là chạy nước rút 4 giây trên xe đạp tại chỗ.
Nghiên cứu cho thấy, khi tổng thời gian tập thể dục trong toàn bộ thời gian 8 giờ chỉ là 160 giây, thì những người đứng dậy trong thời gian nghỉ 4 giây đã đốt cháy nhiều chất béo hơn đáng kể và loại bỏ chất béo trung tính hiệu quả hơn vào ngày hôm sau. Những khoảng nghỉ ngắn và thường xuyên sau khi ngồi có vẻ rất hữu ích. Ngoài ra, nghiên cứu tương tự cho thấy việc đứng dậy và đi bộ 2 phút sau mỗi 30 phút ngồi dường như bù đắp được những rủi ro khi ngồi.
Ngay cả những hoạt động ngắn (một đến hai phút), chẳng hạn như leo cầu thang hoặc đi bộ nhanh, dường như cũng bù đắp được nhiều rủi ro sức khỏe liên quan đến thời gian dài ít có sự vận động.
Cuối cùng, tập thể dục vẫn rất quan trọng. Điều tốt nhất cho sức khỏe mà bạn nên làm là hoạt động suốt cả ngày và sau đó tập thể dục thêm. Nhờ vậy, bạn sẽ tránh các hoạt động ít có sự vận động từ đó có thể ngăn chặn các ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ xảy ra, đồng thời bạn cũng nên tập thể dục để đạt được mục tiêu tốt cho sức khoẻ.
_______
Bài: Duy Hoàng
Tham khảo: