Sức khỏe 13/05/2018

Bài tập Squat: Lịch sử ra đời và phát triển

Bài ELLE Man

Bài tập Squat (hay bài tập gánh đùi) đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển rất dài để trở thành ông hoàng của những bài tập như ngày nay.

Bài tập Squat (Gánh Đùi) là một trong những bài thể dục phổ biến nhất và hiệu quả nhất. Gánh đùi không chỉ giúp thân dưới của bạn trở nên săn chắc mà còn phần nào đó cải thiện sức thân trên. Trong những buổi tập chân, không bao giờ thiếu bài tập Squat. Bạn có biết rằng, gánh đùi ra đời từ khi nào và ai đã phát minh ra nó?

1. Ai đã phát minh bài gánh đùi?

Động tác gánh đùi là động tác hiện diện thường xuyên trong đời sống. Khi còn là trẻ nhỏ, trong những lần cúi xuống nhặt đồ chơi, chúng ta đã biết cách thực hiện động tác đó. Cho rằng tất cả chúng ta đều phát minh ra Squat, điều đó không sai. Tuy nhiên, những ai là người đầu tiên sử dụng động tác đó như một bài tập để cải thiện sức khỏe?

Trong bộ môn Yoga có bài tập Malasana rất giống bài tập Squat, với lịch sử ra đời cách đây hàng nghìn năm. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ tập trung tới bài Squat thể hình đương đại, và vì thế sẽ không khảo sát Malasana.

Lịch sử phát triển của bài tập Squat.
Malasana của Yoga có nét tương đồng với bài tập Squat .

Việc tìm hiểu lịch sử phát triển của bài tập Squat đưa chúng ta trở lại những năm đầu của thế kỷ 19, giai đoạn mà người ta có sự chăm lo nghiêm túc tới sức khỏe và fitness. Lúc bấy giờ, Squat thường được biết đến với tên gọi “bài tập hạ gối”.

Friedrich Ludwig Jahn, một giáo viên thể chất của vương quốc Phổ, được xem là người đầu tiên sử dụng “bài tập hạ gối”. Các học viện thể chất được ông thành lập vào những năm 1810 và trở nên nổi tiếng vào những năm 1820.

Phokion Heinrich Clias, từng có thời gian phục vụ trong quân đội Anh, đã mở các lớp thể chất cho đàn ông lẫn phụ nữ vào những năm 1830. Thậm chí ông còn xuất bản tài liệu hướng dẫn, trong đó có nhắc tới “bài tập hạ gối”. Beaujeu, người cùng thời với Clias ở Ireland, cũng áp dụng các bài hạ gối vào buổi tập của mình. Như vậy, không thể chỉ ra chính xác ai đã phát minh Squat, nhưng chúng ta biết rằng Squat đã được biết tới rộng rãi vào thời điểm đó.

2. Squat: Ngày ấy và bây giờ

Lịch sử phát triển của bài tập Squat.
Eugen Sandow từng giới thiệu bài tập Squat trong giáo trình của mình.

Trước khi nói về Henry, hãy nói về Eugen Sandow – người được xem là cha đẻ của thể hình được đại. Không chỉ truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau bằng chính body hoàn mỹ của mình, Sandow còn tổ chức nhiều cuộc thi thể hình và tham gia viết sách.

Vào năm 1984, Sandow xuất bản một cuốn sách có tên “Sandow’s System of Physical Culture”. Trong cuốn sách ông viết, có một bài tập được mô tả rất giống bài Squat đương đại: “Hạ đầu gối xuống, hạ cơ thể xuống theo một chiều dọc so với gót chân, giữ lưng thẳng và ngẩng cao đầu. Đứng thẳng người dậy và lặp lại bài tập tới khi mỏi cơ”. Sandown khuyên dùng bài tập để phát triển nhóm cơ tứ đầu.

Tuy nhiên, bài “hạ gối” mà Eugen hay những người trước đó giới thiệu có hai điểm khác biệt lớn với Squat đương đại. Thứ nhất, nó sử dụng tạ đơn nhẹ ký thay vì thanh đòn. Thứ hai, người tập sẽ nhón chân lên thay vì đặt cả bàn chân tiếp xúc mặt đất.

3. Henry “Milo” Steinborn – Người đưa bài Squat lên tầm cao mới

Lịch sử phát triển của bài tập Squat.
Phong cách Squat thời chưa có giá đỡ.

Đầu thế kỷ 19, thanh đòn trở nên phổ biến. Một số công ty gợi ý mọi người đặt thanh đòn phía sau gáy thay vì cầm hai cục tạ đơn khi tập Squat. Thiết bị tập luyện thay đổi là một bước tiến dài của bài Squat. Tuy nhiên, người ta vẫn tập với khối lượng nhẹ vì không cách nào nhấc một khối lượng tạ khổng lồ, đặt nó sau gáy rồi sau đó lại đặt nó xuống. Rủi ro chấn thương là rất cao.

Người nghĩ ra cách Squat với khối lượng nặng chính là Henry “Milo” Steinborn. Cách nâng tạ của ông hoàn toàn khác biệt so với thời đó. Một đầu thanh đòn cắm xuống đất trong khi đầu còn lại cắm lên trời. Ông đặt thanh đòn lên vai sau của mình. Sau một cú nhấc, thanh đòn đã nằm ngang cân bằng trên vai ông. Steiborn được cho là có thể nâng khối lượng gấp ba cơ thể mà không cần dùng tới giá đỡ tạ. Henry “Milo” Steinborn đã mở ra một hướng đi mới cho Squat, để Squat trở thành bài tập nặng thực sự.

Kể từ sau Henry, người ta đã chú trọng tới việc Squat nặng và làm nhiều cách để có thể Squat nặng. Đó là lý do vì sao giá đỡ tạ ra đời. Do khối lượng nặng, người ta không thể nhón chân như trước nữa mà thay vào đó là đặt bàn chân tiếp xúc mặt đất.

Kiểu nhón chân không còn phổ biến nhưng không có nghĩ nó biến mất hoàn toàn. Nó giúp bạn cải thiện sức dẻo dai của mình, đồng thời tập trung nhiều hơn vào nhóm cơ tứ đầu, hạn chế sử dụng cơ mông và cơ đùi.

Một số lực sỹ thể hình, trong đó có Arnold Schwarzenegger, đã nghĩ ra cách cải tiến bài Squat nhón chân như sau: Kê hai hoặc bốn dĩa tạ bên dưới gót chân. Do gót chân đã có điểm tựa, bạn sẽ nâng được nhiều khối lượng hơn. Từ năm 1970 trở về sau, người ta có hẳn một loại giày tạo điểm tựa cho gót chân thay vì phải kê dĩa tạ bên dưới gót chân như trước.

Xem thêm 

Chế độ luyện tập của Jason Kenny, chàng trai vàng của làng đua xe

Tập hít đất 100 lần mỗi ngày: Nên hay không nên?

___

Phúc (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man. Tham khảo: barbend)

No more