Sức khỏe 02/03/2022

Những lưu ý khi tập thể dục trở lại sau nhiễm Covid-19

Bài Tuan Anh

Bên cạnh việc nghỉ ngơi và ăn uống lành mạnh, tập thể dục cũng là việc cần thiết để cơ thể bạn phục hồi nhanh chóng sau nhiễm Covid-19. Hãy cùng ELLE Man điểm qua những lưu ý khi bạn bắt đầu hành trình lấy lại sức khỏe ban đầu của mình.

Những lưu ý khi tập thể dục sau nhiễm Covid-19

KHI NÀO BẠN NÊN TẬP THỂ DỤC TRỞ LẠI SAU NHIỄM COVID-19

Một trong những lưu ý quan trọng nhất là bạn không tập thể dục khi vẫn còn các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, khó thở. Nếu tập thể dục khi đang bị nhiễm virus, có thể khiến tình trạng nhiễm trùng của bạn trở nên tồi tệ hơn, đồng thời dẫn đến các biến chứng khác.

Cơ thể mỗi người phục hồi theo cách khác nhau, tuy nhiên, thời gian tốt nhất để tập thể dục trở lại ít nhất là 7 ngày kể từ thời điểm các triệu chứng của Covid-19 không còn. Nếu bạn có các triệu chứng nhẹ, hãy đợi một vài ngày sau khi bạn đã khỏe lại. Còn nếu triệu chứng khá nặng, bạn nên được bác sĩ đánh giá tình hình trước khi tập luyện trở lại để đảm bảo an toàn.

luu ý khi tap
Ảnh: Men’s Health

LẬP KẾ HOẠCH TẬP LUYỆN

Qúa trình hồi phục sau nhiễm Covid-19 cần nhiều thời gian, vì thế bạn không nên đặt cơ thể mình vào guồng tập thể dục như trước đây ngay lập tức. Lập kế hoạch tập luyện là một trong những phương pháp bạn có thể áp dụng để đạt hiệu quả cao nhất.

Bạn có thể tham khảo kế hoạch 4 tuần nhằm lấy lại nhịp độ tập thể thao như bình thường: Trong tuần đầu tiên, bạn nên giảm hoạt động tập luyện của mình xuống 50% so với trước đây. Nếu cơ thể bạn thích ứng tốt, hãy thử giảm 30% cường độ tập luyện của mình vào tuần thứ 2. Hai tuần còn lại, bạn chỉ còn giảm 20% và 10%. Đây là một gợi ý giúp bạn trở lại nhịp sống bình thường một cách an toàn.

luu y khi tap the manual
Ảnh: The Manual
Phòng

CẨN TRỌNG VỚI CÁC VẤN ĐỀ TIM MẠCH

Một số trường hợp Covid-19 có tình trạng viêm dữ dội khắp cơ thể, có thể ảnh hưởng đến cơ tim, gây viêm cơ tim, phát triển chứng loạn nhịp tim, đau tim… Vì thế, hãy bắt đầu việc tập thể dục từ từ và luôn lắng nghe cơ thể mình, theo dõi những dấu hiệu bất thường.

Nếu bạn  có các bệnh lý tiềm ẩn về tim hoặc phổi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quay lại với việc tập thể dục cường độ cao.

tim-mach-Getty Images
Ảnh: Getty Images

KHÔNG NÊN ĐỂ CƠ THỂ HOẠT ĐỘNG QUÁ MỨC

Kiên nhẫn là điều bạn cần làm khi tập thể dục sau nhiễm Covid-19. Với một số bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 thường rơi vào tình trạng mệt mỏi, thụ động, cơ lực yếu, hãy để cơ thể từ từ thích ứng với nhịp sống bình thường.

Bên cạnh đó, hãy lựa chọn những bài tập phù hợp thể trạng cơ thể hoặc tiền sử bệnh, chấn thương từ trước đó. Ví dụ nếu có tiền sử cao huyết áp, hãy chú ý cẩn thận với các bài tập tay và chọn tập phần chân nhiều hơn.

Mặt khác, hãy luôn lắng nghe cơ thể mình. Bạn nên dừng ngay việc tập luyện nếu cảm thấy một trong các triệu chứng đau ngực, tim đập nhanh, cảm thấy lâng lâng, chóng mặt, khó thở, sưng ở tứ chi…

khong ep ban than men's journal
Ảnh: Men’s Journal

Những bài tập thể dục gợi ý sau nhiễm Covid-19

CHẠY BỘ

Chạy bộ là một trong những bài tập thể dục dễ thực hiện nhất sau nhiễm Covid-19. Vào ngày đầu tiên bạn bắt đầu tập thể dục sau Covid, hãy đi bộ nhanh, có thể không quá 20 hoặc 30 phút. Những ngày tiếp theo, hãy dần tăng cường độ tập luyện.

Khi cơ thể đã phục hồi tốt hơn, hãy chạy bộ với tốc độ chậm trong vòng 10 phút và dân tăng lên. Bạn nên thở nhanh hơn và sâu hơn, tuy nhiên tránh tình trạng thở hổn hển.

chay bo mansjournal
Ảnh: Men’s Journal

THAM GIA KHÓA HỌC YOGA

Một số bằng chứng khoa học đã chỉ ra tập yoga và thiền định có thể giúp cải thiện sức khỏe của phổi, giảm tính nhạy của virus và giúp quá trình phục hồi sức khỏe hậu Covid-19 diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc tập yoga còn giúp bạn kiểm soát căng thẳng và lo lắng sau khi mắc bệnh.

yoga-sau-nhiem-covid
Ảnh: Hong Son/pexels

THỰC HIỆN CÁC BÀI TẬP SQUAT VÀ CHỐNG ĐẨY

Khi bạn bị bệnh do nhiễm virut, cơ thể bạn đã bị suy yếu rất nhiều. Vì thế khi tập luyện trở lại, các cơ của bạn sẽ bị đau nhức. Các bài tập squat và chống đẩy nhẹ nhàng là điều bạn có thể thực hiện trong những ngày đầu tập thể thao. Khi dần dần lấy lại sức, bạn có thể bắt đầu tập thêm tạ nhẹ.

chong day covid
Ảnh: The Manual
5

PHƯƠNG PHÁP HÍT THỞ

Phương pháp thở chúm môi cũng là bài tập thở đơn giản và vô cùng hữu ích. Hãy mím môi, sau đó hít thở thật sâu, giữ trong khoảng 3 đến 5 giây trước, sau đó chum môi như đang thổi sáo và từ từ thở ra.

Bạn có thể thở chúm môi kết hợp với tay bằng cách đưa hai tay lên cao mở rộng lồng ngực rồi hít vào. Sau đó, bạn thở ra theo phương pháp chúm môi và hạ tay xuống.

Các bài tập thở sẽ giúp bạn tăng cường chức năng của phổi. Bên cạnh đó, nó còn làm giảm căng thẳng, giúp tinh thần của người bệnh trở nên thoải mái hơn.

 

phương pháp thở
Ảnh: pexels

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Tham khảo: Everydayhealth, The guardian

No more