Đồng cảm là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác. Ta đặt mình vào vị trí của họ, giúp họ cảm thấy tốt hơn, cho họ biết mình không đơn độc khi đối mặt với những vấn đề cá nhân. Bằng cách này, chúng ta duy trì và tăng cường các mối quan hệ xung quanh, bao gồm gia đình, người yêu, bạn bè.
Thoạt nhìn, đồng cảm với cảm thông có nhiều nét tương đồng, nhưng chúng thật ra khác nhau. Khi một người đang gặp chuyện không vui, ta thể hiện sự cảm thông bằng cách quan tâm và thương tiếc về những rắc rối, bất hạnh của người đó bằng lời an ủi hoặc cái ôm. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng ở đó, ta cảm thông nhưng không thấy buồn như họ. Đồng cảm nghĩa là ta trải nghiệm cảm xúc của người đó, thật sự cảm nhận nỗi buồn. Đồng cảm trở thành nhịp cầu, nối kết hai con người với nhau và tạo không gian để hàn gắn, thấu hiểu.
Cùng ELLE Man tìm hiểu 6 bí quyết giúp bạn thể hiện sự đồng cảm đúng cách:
1. Để thật sự đồng cảm, bạn cần đặt mình vào vị trí đối phương
Khi nghe tâm sự từ người khác, chúng ta dễ dàng đưa ra nhận xét và đánh giá. Ví dụ như “Chuyện này chẳng có gì to tát”, “Anh không hiểu tại sao em lại phản ứng quá mức như vậy”, hoặc “Chuyện của anh còn kinh khủng hơn”. Việc chia sẻ trải nghiệm tương tự để thể hiện sự đồng cảm với người cần được an ủi là không sai nhưng lại dễ đi chệch hướng nếu ta không kiểm soát được mức độ thể hiện.
Thay vào đó, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của đối phương và cảm nhận. Có thể họ đang gặp phải những vấn đề vượt quá khả năng. Có thể đã xảy ra chuyện gì đó khiến họ phải hành xử theo cách này. Nếu không biết đầy đủ và chi tiết về vấn đề họ đang trải qua, làm sao chúng ta có thể đưa ra kết luận chính xác? Bạn hãy tưởng tượng mình là người đó và đang trải qua vấn đề tương tự ngay lúc này. Khi cố gắng hiểu mọi thứ theo quan điểm của họ, bạn sẽ kết nối với cảm xúc và dễ dàng đồng cảm với họ hơn.
2. Thể hiện sự quan tâm và chăm sóc
Khi ai đó tâm sự một vấn đề cá nhân với chúng ta, có thể họ cảm thấy không ổn và mong muốn được hỗ trợ về mặt tinh thần. Lúc này, chúng ta hãy hỏi “Cậu cảm thấy thế nào?” để thể hiện sự quan tâm; “Anh có thể giúp gì cho em không?” để thể hiện sự giúp đỡ. Nếu đối phương là bạn thân, ta hãy gọi điện thoại hoặc đề nghị gặp mặt. Nếu đối phương là người yêu, ta hãy dành một cái ôm thật sâu và ở bên cạnh người ấy.
3. Thừa nhận cảm xúc của người ấy
Một trong những vấn đề cản trở sự đồng cảm là việc không thừa nhận cảm xúc của đối phương. Thừa nhận nghĩa là hiểu được tầm quan trọng của một điều gì đó. Ví dụ, khi một người nói “Em cảm thấy thất vọng với X”, ta sẽ thừa nhận bằng cách đáp lại rằng “Tại sao em lại thất vọng?” hoặc “Chuyện gì đã xảy ra?”
Ngược lại, khi thử gạt bỏ cảm xúc thất vọng của đối phương (ví dụ như nói “Chuyện đó chẳng có gì to tát”, “Em chỉ đang phản ứng thái quá thôi”), hoặc cố gắng lảng tránh vấn đề và chuyển sang chủ đề khác, ta đang không thừa nhận hoặc tôn trọng cảm xúc của họ.
Cảm xúc là điểm kết nối trong một cuộc trò chuyện. Cách chúng ta phản ứng với cảm xúc của đối phương sẽ quyết định họ tiếp tục chia sẻ hay dừng lại. Vì vậy, đồng cảm bắt đầu từ việc thừa nhận cảm xúc của người khác để họ mở lòng hơn với chúng ta.
4. Để đồng cảm cần phải hiểu, để hiểu cần phải đặt câu hỏi!
Câu hỏi sẽ mở ra một cuộc trò chuyện. Khi ai đó đã can đảm chia sẻ, đặc biệt là vấn đề cá nhân, việc đặt câu hỏi sẽ khuyến khích họ chia sẻ nhiều hơn. Bạn hãy suy nghĩ những gì người đó đã tâm sự và đặt các câu hỏi có ý nghĩa.
Ví dụ, người bạn tâm sự chuyện anh vừa chia tay với người yêu đã quen nhau 7 năm. Bạn hãy đặt những câu hỏi như “Chuyện gì đã xảy ra?”, “Tại sao hai người chia tay?”, để giúp người ấy cởi mở và cũng cho thấy bạn muốn nghe nhiều hơn. Mặt khác, nếu một bên đưa ra những nhận xét không cần thiết như “Chia tay là chuyện bình thường, rồi cậu sẽ gặp được người tốt hơn” hoặc “Anh hiểu, mong em sớm vượt qua nỗi đau”, chúng ta đang vô tình khiến họ không thể mở lòng hơn.
5. Đừng đưa câu chuyện sớm đến hồi kết
Một trong những sai lầm khác mà nhiều người mắc phải khi cố gắng thể hiện sự đồng cảm là họ vô tình đẩy nhanh câu chuyện đến hồi kết.
Ví dụ, có người tâm sự rằng anh ấy vừa bị mất việc. Bạn an ủi: “Tôi hiểu, mong anh sớm tìm được việc mới”. Lời an ủi này có điều gì sai? Thứ nhất, người đó vừa mới mất việc nên sẽ thấy tổn thương và chán nản. Điều cần làm lúc này là hiểu cảm giác của anh ấy trước. Thứ hai, người đó bị mất việc có thể vì dịch bệnh nên kinh tế bất ổn, công ty cắt giảm nhân sự, dẫn đến thị trường việc làm không mấy khả quan lúc này. Câu an ủi “Mong anh sớm tìm được việc mới” có thể khiến bạn như đang xát muối vào vết thương vì làm người ấy nhớ đến sự bất ổn trong tương lai.
Trong trường hợp này, ta nên kết nối với người đó dựa trên trạng thái cảm xúc hiện tại và thúc đẩy họ mở lòng chia sẻ bằng các câu hỏi chuyển tiếp. Trở lại ví dụ trên, khi anh bạn tâm sự mình bị mất việc, bạn có thể đặt câu hỏi theo thứ tự sau:
“Tôi rất tiếc khi biết tin này. Có chuyện gì đã xảy ra vậy?”
“Hiện tại cậu cảm thấy thế nào?”
“Kế hoạch tiếp theo của cậu là gì?”
(Nếu anh ấy muốn sớm tìm việc) “Cậu muốn tìm kiếm công việc gì?”.
Bạn khéo léo chèn các câu hỏi gợi mở vào giữa cuộc trò chuyện, thúc đẩy đối phương mở lòng cũng như giúp họ đối mặt với vấn đề và tìm cách giải quyết.
6. Cho họ biết luôn có ai đó ở bên cạnh ủng hộ
Đôi khi những gì mọi người mong muốn không phải là câu trả lời, cũng không phải giải pháp cho vấn đề. Điều họ cần lúc này chỉ đơn giản là sự đồng cảm và ủng hộ. Trong một thế giới rộng lớn đầy rẫy những người xa lạ, sự thiếu chắc chắn và nhiều nỗi sợ hãi, việc có một người thân thiết, như bạn bè, gia đình, người yêu luôn ở bên, sẵn sàng hỗ trợ và không phán xét là điều an ủi tinh thần rất lớn, giúp họ có đủ mạnh mẽ để tiến về phía trước.
Vì vậy, để thể hiện đồng cảm, ta hãy trao cho họ sự tin tưởng, khuyến khích và khẳng định rằng, dù có bất cứ điều gì xảy ra, ta vẫn luôn ủng hộ họ.
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Ngân