Bạn gắn bó với người khác theo kiểu nào?

Bài Tuan Anh

Thuyết gắn bó (attachment theory) là một thuyết tâm lý học giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người, đặc biệt là những mối quan hệ lâu dài. Hãy cùng tìm hiểu cách mà bạn kết nối với người khác như thế nào?

Tiến sĩ Katarzyna Peoples, cố vấn cho các mối quan hệ và là giảng viên chính tại chương trình tiến sĩ về Giám sát và Giáo dục Tư vấn của Đại học Walden, cho rằng phong cách gắn bó an toàn sẽ giúp bạn tăng cường khả năng xây dựng tình yêu và các mối quan hệ lành mạnh, lâu dài.

Tuy nhiên trong cuộc sống, không phải bất cứ ai cũng đạt được điều đó. Có 4 kiểu gắn bó khác nhau bao gồm: An toàn, Lo âu, Né tránh, Lo âu – né tránh. Hãy cùng ELLE Man xác định kiểu kết nối của bạn.

Ảnh: Unsplash
Cách

1. Gắn bó an toàn

Kiểu gắn bó này là kết quả về cảm giác an toàn mà bạn có được từ những người chăm sóc thời thơ ấu. Bạn có khả năng yêu cầu sự trấn an từ người chăm sóc mà không lo bị trừng phạt. Bạn sẽ thấy được thấu hiểu, an ủi và được đánh giá cao ở các lần tương tác đầu tiên trong đời. Kiểu kết nối này cũng phản ánh về sự ổn định trong nhận thức và hành vi của các bậc phụ huynh đã chăm sóc bạn trực tiếp.

Dấu hiệu của gắn bó an toàn

– Bạn có khả năng điều chỉnh cảm xúc bản thân và quản lý xung đột tốt, có kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

– Bạn có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc, tự phán ánh bản thân trong các mối quan hệ xung quanh.

– Bạn dễ dàng kết nối và tin tưởng người khác, biết cách chia sẻ cảm xúc, thoải mái khi ở một mình và các mối quan hệ thân thuộc

Gắn kết an toàn thể hiện trong tình yêu và các mối quan hệ?

Những người gắn bó theo kiểu an toàn lớn lên với cảm giác hài lòng về mặt cảm xúc và thể chất, vì vậy, họ có thể bước vào thế giới của người khác một cách lành mạnh. Nhìn chung, họ luôn tích cực, tin tưởng và yêu thương người yêu của mình.

Ngoài ra, họ tin tưởng vào đối tác và sự ghen tuông thường không phải là vấn đề lớn. Những người gắn bó kiểu này luôn biết rằng bản thân xứng đáng được yêu thương và không cần sự trấn an từ bên ngoài.

Ảnh: Unsplash

2. Gắn bó né tránh

Gắn kết né tránh thường phản ánh từ những thất bại trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với người khác do không có khả năng tạo sự thân mật về thể chất và tình cảm.

Sự hình thành của gắn kết né tránh

Trong thời thơ ấu, bạn có thể đã gặp những người chăm sóc nghiêm khắc hoặc xa cách về mặt cảm xúc, và luôn vắng mặt. Những người chăm sóc có thể đã làm một số hành động sau:

– Để mặc bạn tự bảo vệ bản thân và luôn mong muốn bạn tự lập.

– Chậm đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn và luôn quở trách bạn vì đã phụ thuộc vào họ.

– Từ chối khi bạn thể hiện nhu cầu hoặc cảm xúc

Một số bậc cha mẹ mang tính cách né tránh có thể hoàn toàn thờ ơ, nhưng cũng vài người đơn giản là quá bận rộn, quan tâm nhiều đến những thứ như sự đánh giá, công việc nhà hoặc cách cư xử hơn là cảm xúc, hy vọng, ước mơ hoặc cảm xúc sợ hãi của con trẻ.

Dấu hiệu của gắn kết né tránh

– Liên tục tránh sự tiếp xúc thân mật về tình cảm hoặc thể chất, cảm thấy bị đe dọa khi ai đó đến gần, dành thời gian ở một mình nhiều hơn là tương tác với người khác.

– Không thoải mái thể hiện cảm xúc, có vấn đề về sự cam kết.

– Khả năng độc lập cao, không cần người khác trong cuộc sống của mình.

Gắn kết né tránh thể hiện trong tình yêu và các mối quan hệ?

Những người trưởng thành có kiểu gắn bó né tránh thường tách biệt ra khỏi các mối quan hệ xung quanh, thiếu nhu cầu về sự thân mật trong tình cảm. Vì vậy, các mối quan hệ lãng mạn của họ không thể đạt được bất kỳ mức độ sâu sắc nào.

Mặc dù họ cho phép những người lãng mạn gắn kết, nhưng họ lại tránh gần gũi về mặt tình cảm. Đối phương có thể cảm thấy như thể họ sẽ bị ngăn cản hoặc gạt bỏ khi mối quan hệ trở nên quá nghiêm túc đối với người có kiểu gắn bó né tránh.

Ảnh: Unsplash

3. Gắn bó lo âu 

Kiểu gắn kết lo âu thường có những đặc trưng như: Việc sợ bị từ chối hoặc bỏ rơi, có xu hướng đồng phụ thuộc (codependent). Kiểu gắn kết này bắt nguồn từ việc nuôi dạy con cái không nhất quán, không nắm bắt nhu cầu của trẻ.

Những đứa trẻ được chăm sóc bởi người có gắn kết lo âu thường gặp khó khăn trong việc hiểu những người chăm sóc, thường bối rối trong mối quan hệ với cha mẹ và cảm thấy bất định. Chúng sẽ rất đau khổ khi người chăm sóc rời đi. Đôi khi, cha mẹ có hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của trẻ nhưng họ vẫn thường xuyên không hòa hợp với con mình.

Nếu bạn có kiểu gắn kết lo âu, lưu ý rằng bố mẹ bạn cũng có thể xuất hiện những biểu hiện sau:

– Xen kẽ giữa quá nuông chiều và tách rời hoặc thờ ơ

– Đôi khi quan tâm nhưng sau đó “đẩy” bạn ra

– Khiến bạn phải chịu trách nhiệm về cảm giác của họ.

Tiến sĩ Peoples cho rằng: “Chính vì vậy, những đứa trẻ này thường lớn lên với suy nghĩ rằng chúng phải quan tâm đến cảm xúc của người khác và thường trở nên phụ thuộc vào đối phương.”

Dấu hiệu của gắn kết lo âu

– Xu hướng thích bám víu, quá nhạy cảm với những lời chỉ trích. Ngoài ra, họ có thể có lòng tự trọng thấp, khó tin tưởng người khác.

– Khó ở một mình, sợ bị từ chối và bỏ rơi, luôn cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu và có xu hướng ghen tuông.

Gắn kết lo âu thể hiện trong tình yêu và các mối quan hệ

Những người có kiểu gắn kết lo âu thường cảm thấy không xứng đáng với tình yêu và cần sự trấn an liên tục từ đối phương.

Ngoài ra, họ thường tự trách mình về những thách thức trong mối quan hệ, có thể bộc lộ sự ghen tuông hoặc mất lòng tin thường xuyên do có lòng tự trọng thấp.

Họ có một nỗi sợ hãi sâu xa về việc bị bỏ rơi, bị từ chối hoặc ở một mình. 

Ảnh: Unsplash

4. Gắn bó lo âu – né tránh

Kiểu gắn bó lo âu-né tránh (hay còn gọi là “kiểu sợ sệt”) là tập hợp những điều tiêu cực đến từ hai kiểu kể trên. Nguyên nhân phổ biến gây ra kiểu gắn bó lo âu – né tránh là chấn thương tâm lý thời thơ ấu, bị bỏ rơi hoặc lạm dụng. Nỗi sợ hãi cha mẹ (liên quan đến cảm giác an toàn) cũng là một trong những nguyên nhân.

Dấu hiệu của gắn bó lo âu – né tránh

– Sợ bị từ chối, thường xuyên lo lắng. Khó tin tưởng vào người khác, không có khả năng điều chỉnh cảm xúc. Có dấu hiệu của gắn kết né tránh và lo âu.

Gắn bó lo âu – né tránh cũng có thể liên quan đến tiền sử sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành, bao gồm:

– Các chứng rối loạn tâm trạng (Mood disorders)

– Các chứng rối loạn nhân cách (Personality disorders)

– Tự gây hại cho bản thân (Self-harm)

– Rối loạn sử dụng chất gây nghiện

Ảnh: Unsplash

Gắn bó lo âu – né tránh thể hiện trong tình yêu và các mối quan hệ?

Trong các mối quan hệ, những người có kiểu gắn bó lo âu – né tránh thường có hành vi khó đoán và gây khó hiểu. Họ xen kẽ giữa việc xa cách, cô  lập với việc đeo bám và tình cảm.

Tiến sĩ Peoples nói rằng: “Trong khi đang tìm kiếm tình yêu một cách vô vọng, họ cũng đồng thời đẩy đối phương ra xa vì sợ thân mật. Họ tin rằng bản thân sẽ luôn bị từ chối, nhưng họ không trốn tránh sự thân mật về tình cảm. Họ sợ sự thân mật, và họ cũng liên tục tìm kiếm sự thân mật, chỉ để từ chối nó một lần nữa.”

Chia

___________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Duy Hoàng

Tham khảo: Psychcentral

No more