Nhà thờ Đức Bà Paris: “Chứng nhân” lịch sử thành Ba-Lê

Bài ELLE Team

Trận hỏa hoạn tàn phá nghiêm trọng Nhà thờ Đức Bà Paris khiến người Paris và cả thế giới bàng hoàng. Không chỉ là biểu tượng của văn hóa, trung tâm của quyền lực và chính trị, là linh hồn và trái tim của người Cơ Đốc thành Ba-Lê, thánh đường này còn là chứng nhân lịch sử suốt hơn 850 năm thăng trầm với máu, nước mắt và vinh quang của người dân nơi đây.

Có lẽ, tới thời điểm hiện tại, những thông tin về vụ cháy lớn tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã lan rộng trên khắp các mặt báo, làm rung động giới truyền thông vào ngày 15/4 (giờ địa phương). Dường như, cả thế giới đang cùng nhau hướng về công trình kiến trúc cổ đại với hơn 850 năm tuổi, nơi ngự trị con tim, và linh hồn người dân nước Pháp này, cùng nguyện cầu cho đám cháy được dập tắt, cùng bày tỏ những sự tiếc thương, và hi vọng chính quyền sẽ có những biện pháp hiệu quả, giảm thiệt hại tới mức tối thiểu.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man feature

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 6
Ảnh: Instagram

Một biểu tượng, một di sản, một linh hồn đã vỡ nát

Sau suốt 8 tiếng, với những nỗ lực của chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng, ngọn lửa kinh hoàng đã được dập tắt, mang theo đó là những thiệt hại nặng nề về kiến trúc, về những cổ vật vô giá thuộc sở hữu của nhà thờ.

https://www.instagram.com/p/BwT917on8Pf/

Trớ trêu thay, tuy chưa có những thông tin chính xác, nhưng dường như đám cháy xuất phát từ một công trình đang thi công dở tại phần mái, thuộc dự án cải tạo, trùng tu lại Nhà thờ. Vào thời điểm viết bài, các báo cáo chính thức đã xác nhận mức độ thiệt hại của công trình Công giáo nổi tiếng nước Pháp này. Vụ hỏa hoạn gần như gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cấu trúc nhà thờ. Mái nhà bằng gỗ sồi cùng phần lớn mái vòm, các cửa sổ hoa hồng và đỉnh tháp Giáo đường đã bị phá hủy nghiêm trọng. Phần mái của gian giữa, phần nội thất bên trong cùng mặt tiền Giáo đường cũng bị tàn phá nặng nề.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 7
Khung cảnh trơ trọi của tòa tháp thuộc Notre Dame trong đám cháy. Ảnh: Instagram

https://www.instagram.com/p/BwSm3lQAm8r/

Vụ hỏa hoạn đầy đau thương đến với người dân “kinh đô ánh sáng” này cũng có nhiều tương đồng với vụ cháy tại Tòa nhà Quốc hội nước Anh năm 1834, hay biển lửa biến Bảo tàng Quốc gia Brazil tại thủ đô Rio de Janeiro thành một hỏa ngục giữa trần gian, khi chúng đều quét sạch đi những công trình biểu tượng, những cổ vật vô giá thời Trung cổ, mang giá trị nghệ thuật đỉnh cao của mỗi quốc gia. Nhưng với biển lửa tại thủ đô Paris lần này, những thiệt hại được ước tính còn ‘thảm thương’ hơn gấp nhiều lần.

Viên ngọc quý ra đời

Được xây dựng tại một hòn đảo nhỏ tên gọi Île de la Cité, trên đống đổ nát của nhiều nhà thờ trước đó, dự án Nhà thờ Đức Bà Paris (The Cathedral of Notre-Dame) được đề xuất bởi Marice de Sully, một giám mục cấp cao tại Paris vào năm 1160. Nhà thờ Công giáo này được thi công trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ năm 1163, suốt thời đại Vương triều của Vua Louis Đệ Thất, và hoàn thiện vào năm 1345. Công trình nhà thờ lớn này được coi là viên ngọc quý của nghệ thuật kiến trúc Gothic thời Trung cổ.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 1
Bức ảnh ghi lại Nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 1865, được chụp bởi Edouard-Denis Baldus. Ảnh: SSPL/Getty Images

So với Cung điện Westminster cũ, Nhà thờ Đức Bà Paris là một công trình kiến trúc chặt chẽ hơn rất nhiều. Mặc dù thời gian xây dựng lên đến vài thập kỷ, cùng lực lượng thợ thủ công, thợ xây lành nghề hùng hậu, mọi chi tiết trong công trình kiến trúc tôn giáo đồ sộ này vẫn luôn được liên kết một cách chặt chẽ với nhau, tạo nên một tổng thể hợp nhất hoàn hảo, mang vẻ đẹp của sự hoàn mỹ đương thời.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 2
Miệng máng xối hình đầu thú được điêu khác trên tòa Tháp Bắc thuộc Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Alain LECOCQ/Sygma/Sygma via Getty Images

Tuy nhiên, cũng chính những tiểu tiết ấy, làm nên vẻ đẹp mang tầm vĩ mô của công trình này, khi mỗi chi tiết trạm khắc trang trí, được thực hiện bởi mỗi nghệ nhân khác nhau, lại thể hiện một quan điểm nghệ thuật cùng cái tôi cá nhân của mỗi người nghệ sĩ. Chính sự đa dạng, phong phú ấy kích thích lên sự hứng thú, tò mò về tầng tầng, lớp lớp vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà Paris, đồng thời thể hiện lên thế giới quan thông thái, sinh động của người châu Âu đương thời. Đồng thời, sự sống động, đa tầng, đa nghĩa của từng chi tiết tạo nên kiến trúc tổng quan từ lâu luôn được công nhân là một trong những dấu ấn tuyệt vời của nghệ thuật kiến trúc Gothic.

Trên thực tế, Nhà thờ Notre Dame không phải công trình đầu tiên đặc trưng cho nghệ thuật kiến trúc Gothic, mà là Vương cung thánh đường Saint-Denis, tọa lạc tại vùng ngoại ô Saint Denis phía bắc Paris. Vào thế kỷ XII, vị linh mục Suger đã dẫn đầu những dự án thay đổi, mang đến cho giáo đường lối kiến trúc, cũng như kết cấu mang đặc thù của kiến trúc Gothic như những khung cửa sổ hoa hồng lớn, phần mái vòm có chóp mảnh và nhọn, cùng cung cách trang trí những ô kính màu độc đáo, hoàn toàn khác biệt so với những công trình mang kiến trúc La Mã trước đó. Chính những nỗ lực, cùng thành quả của linh mục Suger đã trở thành nguồn cảm hứng cho những vị linh mục, những kiến trúc sư đương thời tạo nên những đột phá, vượt qua công trình kiến trúc vĩ đại của ông. Hàng loạt nhà thờ Công giáo theo lối kiến trúc Gothic mọc lên rải rác khắp nước Pháp, và Notre Dame cũng là một trong những cái tên đó.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 3
Một góc kiến trúc Gothic của Vương cung thánh đường Saint Denis. Ảnh: Getty Images

Trái tim của những tinh hoa và là chứng nhân lịch sử

Tòa kiến trúc Công giáo nổi tiếng giữa lòng Paris này truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về các nhân vật trong Kinh thánh như Đức Chúa Jesus, những vị thánh cùng các nhà tiên tri, các bậc đế vương, lãnh chúa cùng các biểu tượng tôn giáo địa phương. Chính những cấu trúc, cung cách trang trí, hiệu ứng kiến trúc, những mảng đối lập hoàn hảo giữa ánh sáng và bóng tối đặc trưng của nghệ thuật Gothic đương thời, đưa Notre Dame trở thành một phần của lịch sử nước Pháp.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 4
Lễ tang của Tướng Charles de Gaulle được tổ chức tại Nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 9/11/1971. Ảnh: Jean-Claude Deutsch/Paris Match/Getty Images

Suốt 850 năm tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mệnh danh là chứng nhân lịch sử, với hàng loạt những sự kiện mang tầm vóc quốc gia được gửi gắm tại nơi đây. Thậm chí, Nhà thờ còn may mắn “sống sót” sau lệnh “tiêu thổ” của Quốc trưởng Độc tài Hitler khi Đệ Nhị Thế chiến dần đi đến hồi kết với phần thắng nghiên về phe Đồng Minh.

Vào năm 1431, công trình Công giáo đồ sộ này được chọn là nơi Vua Henry Đệ Lục của Vương quốc Anh được phong Đế vương nước Pháp. Napoleon Bonaparte cũng đã lên ngôi hoàng đế trong lòng Notre Dame vào năm 1804. Hơn 100 năm sau đó, Joan of Arc, nữ anh hùng đã mang lại vô số chiến thắng cho người Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm năm trước đế quốc Anh hùng mạnh, rồi sau đó bị người Anh hỏa thiêu khi chỉ mới 19 tuổi, cũng đã được phong thánh tại nơi đây, bởi Đức Giáo hoàng Pius Đệ Thập.

nha tho duc ba paris - elle man 91
Bức hòa vẽ cảnh Đăng cơ của Hoàng đế Napoleon I và Hoàng hậu Josephine tại Nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 2/12/1804. Tranh: Jacques-Louis David (hoàn thành năm 1808)

Trong suốt thời gian Cuộc cách mạng nước Pháp diễn ra, vào những năm 1790s, Nhà thờ Đức Bà Paris bị hư hại đi ít nhiều, và tưởng chừng như đã trôi vào quên lãng. Mãi cho tới khi cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo, xuất bản vào năm 1831, với tên gọi Le Bossu de Notre Dame/ The Hunchback of Notre Dame (hay còn có tên Thằng gù nhà thờ Đức Bà) được biết đến rộng rãi, người ta mới bắt đầu chú ý tới thực trạng suy đồi của công trình kiến trúc Công giáo này. Nhờ vào thông điệp từ những câu chữ, công cuộc đại tu Nhà thờ Đức Bà Paris được tiến hành một cách nhanh chóng, từ năm 1844 cho đến 1864, bởi các kiến trúc sư, nhà lý luận, nhà phục chế vĩ đại như Jean-Baptiste-Antoine Lassus và Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc.

thiet hai nha tho duc ba paris hoa hoan elle man 5
Bức ảnh được chụp vào ngày 26/6/2018, thời điểm những con chiên đến Nhà thờ Đức Bà Paris để cầu nguyện. Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images

Trái tim vụn vỡ và niềm tin sẽ tái sinh

Tòa kiến trúc Công giáo mang biểu tượng, linh hồn của nước Pháp, được trùng tu bởi các vĩ nhân đương thời và sống sót sao bao chính biến của lịch sử lại chìm trong biển lửa vào một buổi chiều tà khi đất nước thanh bình. Thánh đường vỡ vụn trước sự thẫn thờ, bi ai, đầy bất lực của người dân “kinh đô ánh sáng”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp đã có thông báo chính thức rằng nhà thờ đã hư hại quá nghiêm trọng và họ đang tập trung hết lực lượng cứu lấy hai tòa tháp chuông. Chút tin mừng hiếm hoi từ hiện trường vụ hỏa hoạn có thể kể đến như việc di dời các tác phẩm nghệ thuật, kho báu cùng di vật lịch sử đã được di dời một cách an toàn. Cũng chưa hề có tin tức về những thương vong xảy ra cho tới thời điểm hiện tại. Khu vực hầm đá vẫn còn nguyên vẹn, và tương đối không bị ảnh hưởng quá nhiều. Hiện tại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đưa ra những kế hoạch tái thiết lại công trình tôn giáo này.

nha tho duc ba paris - elle man 89
Francois-Henri Pinault, giám đốc điều hành tập đoàn xa xỉ Kering SA. Ảnh: Marlene Awaad/Bloomberg via Getty Images

Khi cả thế giới cùng đau chung cái nỗi đau mất mát của người dân nước Pháp, thì những người trong giới kinh doanh thời trang, đương nhiên cũng chẳng thể nào dửng dưng. François-Henri Pinaul, vị chủ tịch, kiêm CEO của tập đoàn Kering, tập đoàn kinh doanh thời trang hàng đầu, sở hữu những cái tên thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới như Saint Laurent, Alexander McQueen, Balenciaga, Tomas Maier, và nhiều nhiều những thương hiệu khác nữa đã hứa sẽ trích ra một số tiền lên tới 100 triệu euro, hỗ trợ quá trình tái thiết, phục sinh lại công trình kiến trúc tôn giáo Gothic huyền thoại này.

nha tho duc ba paris - elle man 90
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn xa xỉ LVMH – Bernard Arnault. Ảnh: Eric Piermont/ AFP/Getty Images

Đồng thời, gia tộc Arnault cùng tập đoàn gia đình LVMH, đơn vị sở hữu thương hiệu cao cấp Louis Vuitton cũng thông báo với giới truyền thông rằng họ cũng sẽ ủng hộ số tiền 200 triệu euro, nhằm góp chút công sức cho việc phục hồi lại di sản Công giáo của thế giới này.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều nhà hảo tâm trong hàng triệu con Chiên ngoài kia muốn phục dựng lại di sản này. Có thể sẽ phải nhiều năm nữa mới phục hồi được những thiệt hại của cơn bão lửa gây ra nhưng như hy vọng và tình yêu của người dân nơi đây, niềm tin tái sinh chắc chắn đã bắt đầu từ đống tro tàn!

Xem thêm

Nỗi đau của người dân Paris khi Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa

Các show diễn tại tuần lễ thời trang Paris bị đình trệ vì phe biểu tình Gilets Jaunes

Trích lược: Phương Linh (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, tham khảo: CNN, The New York Times, Lab Bible, Retail Gazette, Reddit)

No more