Quốc thể đẹp từ hình ảnh mỗi cá nhân

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN 0 7/2016] Chúng ta thường bị tư duy đánh lạc hướng về những điều lớn lao khi nghĩ đến cụm từ “quốc thể”. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh và nhìn nhận, chúng ta sẽ cảm nhận quốc thể được giữ gìn hay bị ảnh hưởng ngay chính trong đời sống thực tế này bằng những hành vi rất nhỏ.

nghi ve quoc the 2

Khi xem tấm ảnh nữ du khách người Ai Cập Alaa Mohammad Ali Aldoh khóc ngất tại đường Lương Hữu Khánh, quận 1, TP.HCM, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ.

Aldoh, 22 tuổi, lần đầu đến Việt Nam vì thích đất nước này bằng cảm nhận cá nhân lẫn lời giới thiệu của bạn bè. Vậy mà, ngay giữa trung tâm quận 1, lúc Aldoh đang đứng trên vỉa hè để xem bản đồ, Aldoh đã bị kẻ cướp giật mất túi xách. Cú giật mạnh đến mức Aldoh té sấp xuống đường và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Aldoh khóc. Có lẽ vì những rắc rối có thể gặp phải khi mất toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu, thẻ ngân hàng và 200 đôla Mỹ để trong ví. Cũng có thể, Aldoh khóc vì sự tủi thân khi vô tình bị biến thành một nạn nhân ở đất nước xa lạ, nơi mà lẽ ra cô sẽ có những trải nghiệm đầy thú vị.

Cũng may, cuối cùng Aldoh đã nhận được lời xin lỗi từ các cấp chính quyền thành phố, một chuyến du lịch như lời chia sẻ, Aldoh đã cảm thấy được bù đắp. Hoặc ít nhất, không cảm thấy cô đơn trong tình huống xui rủi của mình. Không có quá nhiều du khách đến du lịch tại Việt Nam và được an ủi, vỗ về khi bị cướp giật, lừa đảo như Aldoh.

Nạn

Mazuin Osmar, Noraini Mohd và Rasnita Mohd Taib là ba du khách người Malaysia. Họ phải trả đến hơn 6 triệu đồng cho một cuốc taxi từ chợ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất. Họ không có sự chọn lựa nào khác khi tài xế bằng đủ thứ ngôn ngữ, kể cả tay chân, trấn áp tinh thần của họ.

Ở góc đường Ký Con – Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM, tôi từng chứng kiến cảnh vợ chồng một du khách ôm nhau khóc ngất khi cô vợ bị giật túi xách. Sau đó, anh chồng hớt hải cầm dép trên tay và đuổi theo hai gã thanh niên vừa giật túi xách của vợ mình trong vô vọng. Hỏi cô, “Cô mất gì?”. “Passport”, cô gái đáp. Trên khuôn mặt của người chồng là sự căm phẫn.

Trong tình huống ấy, tôi thật sự cảm thấy nhục nhã cho quốc thể trước bạn bè thế giới. Tôi bối rối không biết cách nào khác ngoại trừ hướng dẫn họ đến trình báo tại công an phường. Trước khi họ đi, tôi có nói xin lỗi. Nhưng có vẻ họ không để ý đến. Giả là tôi, có lẽ tôi cũng không để ý đến lời xin lỗi ấy. Mà giả là tôi, tôi cũng sẽ có cảm giác căm phẫn, thậm chí là hận thù trong hoàn cảnh ấy.

Có 29 du khách Việt Nam tham quan châu Âu trong chuyến du lịch dài ngày. Mọi thứ sẽ rất tốt đẹp nếu như hai thành viên trong đoàn tham quan này không bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Zurich vì ăn cắp 3 chiếc kính mát hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá khoảng 300 Euro/chiếc. Nhận được thông báo, hướng dẫn viên và người của công ty du lịch đã phải tới sở cảnh sát để tìm hiểu sự việc và yêu cầu cơ quan này giúp đỡ xử lý vụ việc ngay trong đêm vì đoàn phải bay sớm vào ngày mai. Cuối cùng, cơ quan cảnh sát đã yêu cầu nộp phạt 2.000 Franc Thụy Sĩ (tương đương khoảng 2.000 đôla Mỹ).

Đây không phải lần đầu tiên du khách Việt Nam gặp rắc rối với quốc thể và danh dự dân tộc ở nước ngoài vì hành vi ăn cắp. Trước đó, một cán bộ, một cô gái là BTV truyền hình cũng bị bắt. Trên mạng Internet, Facebook chúng ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển hiệu ở nước nào đó có dòng chữ tiếng Việt. Dòng chữ này cảnh báo rằng ăn cắp sẽ bị xử lý, lấy thức ăn vừa đủ nếu tham dự tiệc buffet.

nan quoc the - han quoc 1
Một tấm biển cảnh báo cấm vứt rác bừa bãi tại tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc (Nguồn: nguoiduatin.vn)
nan quoc the - nhat ban 1
Biển cánh báo tại một siêu thị ở Nhật Bản (Nguồn: nguoiduatin.vn)
nan quoc the - thailand 1
Tấm biển được viết bằng tiếng Việt cảnh báo việc lấy thức ăn thừa ở một nhà hàng buffet Thái Lan (Nguồn: nguoiduatin.vn)

Chúng ta sẽ dễ dàng cáu giận hay buông lời thóa mạ những tấm biển hiệu ấy, chúng ta cũng dễ dàng đả kích những cá nhân kia vì trộm cắp. Hoặc chúng ta tha hồ biện hộ, Paris cũng đầy kẻ cắp, Milan cũng đầy kẻ lừa lọc. Đại khái, chúng ta sẽ nói theo kiểu, Tây cũng lừa đảo đầy huống hồ Việt Nam.

Người Singapore đã tẩy chay tiệm điện thoại lừa đảo du khách Việt, gã chủ tiệm sống trong những tháng ngày bị khủng bố tinh thần, bị phạt tù vì hành vi trốn thuế. Tất cả chuyện này là vì người Singapore phẫn nộ lúc hình ảnh nam thanh niên Việt Nam quỳ lạy mong lấy lại khoản tiền bị chủ tiệm lừa đảo khi muốn mua chiếc iPhone cho bạn gái, theo lời kể của anh.

Người Singapore cũng vừa vận động hỗ trợ cho một nạn nhân người Việt, phụ rửa chén tại một quán ăn ở nước này. Nạn nhân bị chém chết khi tranh cãi cùng đồng nghiệp. Trước đó, để sang được Singapore, anh đã vay nợ tại quê nhà một khoản rất nhiều.

nan quoc the - singapore 1
Cửa hàng lừa đảo Mobile Air ở trung tâm thương mại Sim Lim Square (nguồn: baotintuc.vn)

Tháng 1/2004, Singapore miễn thị thực nhập cảnh cho du khách Việt Nam. Hai năm sau, nữ hành khách Việt Nam khi đi một mình muốn nhập cảnh du lịch tại Singapore phải khai báo khoản tiền mang theo, dưới 3.000 đôla Mỹ thì bị từ chối nhập cảnh. Và vé máy bay bắt buộc phải khứ hồi. Vì sao lại có chuyện này?

Đơn giản, các cơ quan chức năng đau đầu vì tình trạng gái mại dâm người Việt đang hoạt động bất hợp pháp tại đảo quốc. Còn dân chúng thì phẫn nộ. Không phải báo giới Singapore chưa có những bài viết than phiền về cách ứng xử của du học sinh Việt Nam đang học tập tại đây trước khi vấn nạn gái mại dâm gốc Việt hiện hữu.

Bức

Vấn đề gìn giữ quốc thể ngoài sự cố gắng của hệ thống chính quyền, còn có cả ý thức của mỗi công dân. Và để không phải xấu hổ, đỏ mặt mắc cỡ hay bức xúc trước hình ảnh của người Việt ở quốc gia nào đấy trên toàn thế giới này, bạn phải hình thành ý thức về việc gìn giữ ngay trong mỗi lời nói, mỗi hành vi, mỗi đắn đo về trách nhiệm.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more