Review “Đàn Cá Gỗ”: Một câu chuyện giản dị nhưng lắng đọng

Bài Tuan Anh

đàn cá gỗ
Ra mắt ngày 15/07/2025 tại rạp, phim ngắn đầu tay “Đàn Cá Gỗ” của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt, thu hút sự chú ý nhờ cách kể chuyện tối giản, giàu chất thơ. Bộ phim mang đến một góc nhìn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về những giấc mơ bị quên lãng, về khát vọng tự do, tình yêu và sự giằng co giữa đam mê và nghĩa vụ gia đình.

đàn cá gỗ

Khai thác những tâm tư thầm kín của người trẻ

 

Lấy bối cảnh ở một làng chài ven biển miền Trung, bộ phim theo chân Cường – một chàng trai trẻ miền biển. Cậu mơ ước được hát và làm nhạc. Nhưng biến cố đến sớm, cái chết của người cha khiến giấc mơ lùi lại sau lưng. Cường khoác lên mình tấm áo người trưởng thành, thay cha ra khơi, gắn bó với mái chèo, mẻ lưới.

 

Nhiều năm trôi qua, Cường sống lặng lẽ giữa nhịp đời quen thuộc nơi làng chài. Ta gặp Cường và Hoa – vợ anh, ở điểm giữa của một ngã ba đường đầy chông chênh. Quá khứ đã vụn vỡ, hiện tại bấp bênh khi biển cả dường như đã cạn kiệt, mỗi chuyến ra khơi là những chuyến lỗ vốn. Tương lai mờ mịt và vô định, Hoa khuyên chồng bán chiếc tàu để anh lên Hà Nội theo đuổi đam mê, thế nhưng, Cường vẫn chần chừ. Anh đứng giữa hai đầu bến: một bên là công việc cha truyền con nối, gắn với máu thịt quê hương; bên kia là con đường không chắc chắn nhưng le lói hy vọng.

đàn cá gỗ
Bộ phim theo chân Cường – một chàng trai trẻ sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven biển. (Ảnh: Tư liệu)

Không chọn cách dẫn dắt bằng cao trào kịch tính hay xung đột ồn ào, Đàn Cá Gỗ kể chuyện bằng nhịp điệu chậm rãi, tập trung vào chuyển động nội tâm. Mạch truyện tuyến tính, tối giản nhưng đầy chủ đích.

 

Thông qua những xung đột của Cường, phim phản chiếu nỗi niềm quen thuộc của cả một thế hệ: những người trẻ từng nuôi hoài bão nhưng phải bước chậm lại giữa bộn bề cơm áo, chữ hiếu, nghĩa tình. Chi tiết ca khúc Phép Màu với ghi chú “thay ba tặng mẹ” vén màn quá khứ lãng mạn nhưng cũng đầy bi kịch của cha mẹ Cường. Điều này càng khắc sâu thêm nỗi sợ hãi về một giấc mơ tan vỡ trong Cường. Cường không bán tàu, bởi anh không chỉ vướng bận bởi trách nhiệm hiện tại, mà còn vì nỗi sợ hãi phải đoạn tuyệt với một phần quá khứ, với hình bóng người cha và những gì ông đã để lại.

 

Trong hành trình của nhân vật, khán giả bắt gặp chính mình ở những năm tháng từng mơ mộng, từng viết ra những ước vọng, rồi âm thầm cất chúng vào ngăn tủ thời gian. Sự mâu thuẫn giữa trách nhiệm gia đình và khát vọng cá nhân, đó là cuộc đấu tranh không chỉ của Cường, mà của tất cả những người trẻ đang sống trong một xã hội đầy chênh vênh.

đàn cá gỗ
Mạch truyện đi theo lối tuyến tính, trôi theo dòng cảm xúc nội tâm. (Ảnh: Tư liệu)

Cách kể chuyện kiệm lời nhưng giàu tính biểu tượng đàn cá gỗ

 

Nguyễn Phạm Thành Đạt dường như tin vào sức mạnh của khoảng lặng, vào khả năng của hình ảnh tự thân nó kể chuyện. Điều này thể hiện rõ qua sự kiệm lời trong lời thoại, sự tiết chế trong âm nhạc nhưng vẫn tạo ra một không gian lắng đọng và để khán giả tự do cảm nhận. Chính sự tự tin ấy đã biến Đàn Cá Gỗ từ một tác phẩm tưởng chừng nhỏ bé, lặng lẽ thành một trải nghiệm điện ảnh ám ảnh, để lại dư âm sâu sắc.

 

Trong câu chuyện, biển cả là một biểu tượng đa tầng, chuyển mình theo từng giai đoạn cuộc đời của Cường. Ban đầu, biển là nguồn sống, là không gian quen thuộc gắn liền với tuổi thơ, với truyền thống cha truyền con nối. Đó là nơi người cha từng mưu sinh, và sau này, Cường tiếp nối. Cường gắn bó với mái chèo thể hiện sự phụ thuộc và gắn kết không thể tách rời với biển. Thế nhưng, khi thời cuộc thay đổi, biển cả cạn kiệt, nó biến thành gánh nặng, thành nỗi ám ảnh, giam hãm Cường trong vòng luẩn quẩn mưu sinh.

phim ngắn
Nhịp phim của Đàn Cá Gỗ được xử lý điềm tĩnh và có chủ đích. (Ảnh: Tư liệu)

Trái ngược với biển cả nặng nề, cây đàn là biểu tượng thuần khiết của tự do, đam mê và thế giới nội tâm của Cường. Nó là tiếng nói thầm lặng của tâm hồn anh, là nơi anh gửi gắm những khát vọng nghệ thuật bẩm sinh. Khi cha Cường đập vỡ bức ảnh và ném cây đàn xuống biển, biển nuốt lấy cây đàn, tức nuốt chửng luôn ước mơ của Cường.

 

Cây đàn, dù không còn hiện hữu vật lý, vẫn sống động trong tâm trí Cường, điển hình là cảnh Cường đứng trên mũi thuyền, ánh mắt hướng về chân trời, đôi tay rẩy trên một chiếc đàn vô hình. Không một lời thoại, không nhạc nền dồn dập, chỉ tiếng gió và tiếng sóng, nhưng đủ để khán giả cảm nhận được sự cô đơn, bế tắc.

 

Cả biển và đàn đều góp phần định hình số phận Cường, một bên trói buộc anh vào trách nhiệm, một bên là lời mời gọi của tự do. Cuộc đấu tranh nội tâm của Cường chính là cuộc đấu tranh giữa hai biểu tượng mạnh mẽ này.

 

Đỉnh điểm của sự biểu tượng hóa chính là phân đoạn Cường chìm sâu dưới lòng biển, tiếng đàn vang lên giữa vòng xoáy của đàn cá gỗ và ánh sáng huyền ảo xuyên qua làn nước. Đây là khoảnh khắc Cường “thăng hoa” trong giấc mơ. Anh như tìm thấy cây đàn năm xưa cha ném xuống và cây đàn không có thực ấy như một lời nhắc nhở về con người thật mà anh khao khát trở thành.

đàn cá gỗ
Bộ phim phản chiếu những xung đột của thế hệ trẻ khi đứng giữa đam mê và nghĩa vụ. (Ảnh: Tư liệu)

Diễn xuất tự nhiên, những khung hình nên thơ

 

Không chỉ gây ấn tượng bởi kịch bản chắc tay và bút pháp điện ảnh tinh tế, Đàn Cá Gỗ còn chạm đến trái tim người xem nhờ diễn xuất nội lực của dàn diễn viên trẻ.

 

Nguyễn Quốc Hùng vào vai Cường, chàng trai làng chài mang trong mình hai thế giới đối nghịch: một bên là biển cả với những chuyến ra khơi nối tiếp truyền thống gia đình, một bên là giấc mơ âm nhạc. Quốc Hùng thể hiện nhân vật bằng sự tiết chế tối đa, chọn ánh mắt, dáng đi và nhịp thở làm ngôn ngữ diễn xuất. Những chi tiết nhỏ ấy giúp khắc họa rõ nét nỗi giằng xé âm thầm trong tâm hồn nhân vật. Bên cạnh diễn xuất, Quốc Hùng còn đích thân thể hiện ca khúc chủ đề Phép Màu.

quốc hùng
Quốc Hùng khắc họa rõ nét sự giằng xé âm thầm nơi nhân vật. (Ảnh: Tư liệu)

Nguyễn Minh Hà (vai Hoa) mang đến làn gió mới cho mạch truyện. Là người bạn thời niên thiếu và là vợ của Cường, Hoa là ngọn sóng khơi dậy khát vọng bị vùi lấp trong nhân vật. Hà không gồng mình để tạo ấn tượng, cô chinh phục khán giả bằng sự chân thành, giản dị. Sở hữu ngoại hình sáng và diễn xuất tinh tế, Minh Hà được giới chuyên môn đánh giá là một trong những gương mặt triển vọng của dòng phim độc lập.

 

Cùng với diễn xuất, phim còn được đánh giá cao bởi những khung hình đẹp như mơ. Được quay hoàn toàn tại một làng chài miền Trung, Đàn Cá Gỗ tận dụng tối đa vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên để tạo nên chất thơ cho từng khung hình. Phim giữ tiết tấu chậm, ưu tiên những góc quay tĩnh.

 

Ê-kíp sản xuất lựa chọn ánh sáng tự nhiên làm chủ đạo, không can thiệp nhiều vào màu sắc hậu kỳ, nhưng vẫn đủ để mang lại những cảnh quay đầy cảm xúc. Những khung hình lúc bình minh hay hoàng hôn, khi mặt trời vừa chạm mặt biển, được xử lý tinh tế, mang lại vẻ đẹp dịu dàng, trong trẻo và phảng phất nỗi buồn.

________

Bài: Hoàng Thúy Vân

No more