Review “Solo Leveling”: Bộ phim anime đình đám 2024 có gì thú vị?

Bài Tuan Anh

“Solo Leveling" được xem là một trong các hiện tượng anime đầu năm 2024. Tác phẩm thu hút nhờ hình ảnh đẹp mắt, yếu tố hành động và hành trình phiêu lưu của các nhân vật. Ở thị trường Việt Nam, phim lập tức vượt các tên tuổi khác để leo lên vị trí số 1 trên Netflix. 

Solo Leveling 

Khởi nguồn từ một tiểu thuyết mạng của tác giả Chugong rồi tới manhwa (truyện tranh Hàn Quốc) do cố hoạ sĩ DUBU minh hoạ, Solo Leveling sở hữu tập fan hâm mộ lớn ở châu Á. Phiên bản hoạt hình do xưởng phim Nhật Bản A-1 Pictures thực hiện, biến Solo Leveling thành tác phẩm anime mãn nhãn với hình ảnh sống động, trau chuốt và âm thanh ấn tượng. Nhiều khán giả tò mò liệu những đổi mới ở phiên bản Nhật có ảnh hưởng tới tính bản địa của nguyên tác. 

Ảnh: A1-Pictures
Thấy

Thiết lập thế giới độc đáo 

 

Nội dung Solo Leveling xoay quanh nam chính Sung Jin Woo, trong bối cảnh thế giới giả tưởng, nơi mà con người đều là thợ săn, sở hữu năng lực và pháp thuật nhằm bảo vệ nhân loại khỏi những con quái vật khát máu.

 

Nhân vật chính Sung Jin Woo là thợ săn cấp thấp nhất. Gánh vác gia đình sau biến cố, chàng trai trẻ quyết tâm chiến đấu bất chấp hiểm nguy.

 

Trong một lần đứng trước ranh giới cái chết ở ngục kép, Jin Woo được “Cổng nâng cấp” chọn làm người chơi. Hệ thống này cho phép anh tăng cấp sức mạnh và kỹ năng vô hạn sau mỗi trận chiến. Jin Woo dấn thân vào hành trình chiến đấu, từ đó khám phá bí mật hầm ngục và nguồn gốc sức mạnh của mình.

 

Bối cảnh phim tuy không mới mẻ nhưng vẫn tạo nên sức hút bởi cách khai thác độc đáo. Điểm nhấn chính là trò chơi điện tử được đưa vào đời thực. Hệ thống vận hành với cấp độ thử thách ngày một khó nhằn, buộc nam chính không ngừng nâng cấp bản thân. Các nhân vật đều được dồn vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, buộc họ phải vận dụng trí não và tạo không khí nghet thở cho phim. Mỗi manh mối được hé lộ dần dẫn dắt họ đi sâu vào câu chuyện, đồng thời khơi gợi trí tưởng tượng về thế giới kỳ ảo trong phim.

 

Khác với đa số anime cùng thể loại, Solo Leveling đưa các chiến binh vào cuộc chiến ngay trên chính quê hương mình. Chi tiết này mang tính biểu tượng, thể hiện tinh thần bảo vệ dân tộc và gia đình của những người lính. Đồng thời, phim cũng khéo léo lồng ghép những hình ảnh ẩn dụ, phản ánh xã hội phân cấp, bất công và lòng tham vô đáy của con người, đặc biệt khi ta liên tưởng đến các xung đột chính trị tại Hàn Quốc.

Ảnh: Tư liệu

Xây dựng nhân vật chính bản lĩnh 

 

Nam chính Sung Jin Woo chinh phục khán giả bởi sự khác biệt so với những anh hùng thường thấy. Jin Woo không sở hữu sức mạnh bẩm sinh, xuất phát từ “đáy xã hội” của hệ thống thợ săn với thân phận “kém nhất”. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài yếu ớt là khát khao mãnh liệt bảo vệ người thân và nghị lực phi thường, khiến anh dễ dàng lấy được sự đồng cảm từ khán giả.

 

Động cơ chiến đấu của Jin Woo thực tế và gần gũi: kiếm tiền để lo cho gia đình. Anh là người bạn đồng hành đáng tin cậy. Tuy ít biểu lộ tình cảm nhưng anh sẵn sàng hy sinh vì đồng đội. Thể lực yếu và thiếu hụt kinh nghiệm chiến đấu được bù đắp bằng trí tuệ của Jin Woo. Khả năng phân tích và đưa ra quyết định sáng suốt giúp anh trở thành đầu tàu dẫn đồng đội vượt qua những thử thách cam go. 

 

Hành trình “lột xác” của Jin Woo là điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho Solo Leveling. Bị coi thường và lợi dụng, Jin Woo không cam chịu số phận mà quyết tâm từng bước trở thành “cỗ máy chiến đấu” đầy mạnh mẽ. Hành trình này không chỉ về sức mạnh thể chất mà còn là sự trưởng thành về tâm lý và bản lĩnh. 

 

Thay vì “buff” sức mạnh vô lý, Solo Leveling tập trung vào quá trình rèn luyện và chiến đấu gian khổ của Jin Woo. Anh trải qua vô số thử thách, đổ mồ hôi xương máu để “lên cấp”. Điều này khiến cho thành công của Jin Woo trở nên thuyết phục và ý nghĩa hơn.

Đội ngũ danh tiếng đứng sau 

 

Hình ảnh trong Solo Leveling đáp ứng kỳ vọng các fan nguyên tác. Solo Leveling được  A-1 Pictures sản xuất. Công ty từng gây tiếng vang với các bộ phim hoạt hình Sword Art Online, Black Butler, Fairy Tail, Blue Exorcist… Trong khi phần đồ họa chuyển động do Production IG đảm nhận, được biết đến với tác phẩm Attack on Titan, Psycho-Pass, Vinland Saga Haikyuu!!

 

Việc kết hợp câu chuyện và bối cảnh Hàn Quốc, kỹ thuật anime Nhật Bản và cảm hứng từ phim thần thoại phương Tây tạo nên bản sắc của phiên bản hoạt hình. A-1 Pictures khẳng định vị thế hàng đầu khi phối hợp phong cách anime hiện đại với hiệu ứng CGI mượt mà và hoạt hình 2D. Những cảnh chiến đấu được mô tả kỳ công, sống động. Các cảnh slow-motion (tua chậm) được chăm chút tới từng khung hình, làm nổi bật chuyển động của nhân vật. 

 

Các quái vật khổng lồ choán gần hết khung hình, càng khiến con người trở nên nhỏ bé khi đặt cạnh, gia tăng độ hồi hộp của phim. Mỗi nhân vật đều được tạo hình tỉ mỉ, phù hợp với tính cách và xuất thân.  

 

Phần âm nhạc do nghệ sĩ Hiroyuki Sawano, người từng mang tới những bản nhạc kỳ diệu trong Attack on Titan, Bleach… phụ trách. Nhạc nền hoành tráng và đong đầy cảm xúc, hài hoà với các cảnh quay. Giai điệu góp phần tạo nên bầu không khí u ám, rùng rợn trong ngục tối lẫn cảm giác căng thẳng, kịch tính của các trận chiến. Bên cạnh đó là ca khúc mở đầu LEveL do Sawano sáng tác cho nhóm nhạc Hàn TOMMOROWxTOGETHER mang tinh thần chiến đấu sôi sục. 

Ảnh: Tư liệu

Tiềm năng chưa khai thác triệt để  

 

Nhịp phim Solo Leveling nhanh nhưng lộn xộn. Hai tập đầu tiên như một bản tóm tắt vội vã của nguyên tác, khi vừa phải giới thiệu bối cảnh, hệ thống nhân vật lại vừa nhồi nhét quá nhiều thông tin. Điển hình là việc đưa các nhân vật như Baek Yoon-Ho và Choi Jong-In lên sóng sớm để phô diễn sức mạnh thợ săn, trong khi theo nguyên tác, họ chỉ xuất hiện sau này.

 

Tiếp theo đó, một loạt nhân vật khác như Chủ tịch “Hiệp hội thợ săn” Go Gun-Hee, cô bạn thân Jo Hee, Woo Jin Chul, Yoo Jin Ho, thợ săn cấp S Cha Hae-in… liên tục được giới thiệu. Việc khai thác hời hợt khiến họ trở nên mờ nhạt và vô tình làm giảm sự tập trung vào nhân vật chính Jin Woo. Với thời lượng hạn chế, dễ hiểu vì sao bộ anime phải đẩy nhanh tình tiết và đưa những nhân vật quan trọng lên trước. 

Nữ chính Cha Hae In xuất hiện rất sớm so với manhwa để chiều lòng fan (Ảnh: A1-Pictures)

Mạch phim được cải thiện phần nào ở các tập sau, đặc biệt khi Jin Woo từ chiến binh đơn độc trở thành thủ lĩnh của biệt đội siêu nhiên ưu tú. Tuy nhiên, cốt truyện vẫn thiếu điểm nhấn. Các tình tiết hành động dày đặc nhưng mang tính hình thức, thiếu đi sự kịch tính và logic. Hành trình của Jin Woo cũng không nhiều bất ngờ, chủ yếu xoay quanh việc “lên cấp” và chiến đấu với quái vật. Cấu trúc ngục tối, hệ thống thăng cấp và những trận chiến với trùm cuối không đột phá nếu so với Sword Art Online, Elden Ring… Kể cả yếu tố tình cảm trong phim cũng chưa đủ đặc sắc. 

 

Tựu chung, Solo Leveling là một phim hoạt hình khá chất lượng với phần nhìn ấn tượng, nhân vật chính có tư duy nhất quán và truyền cảm hứng. Tuy nội dung còn cần cải thiện nhưng phim vẫn mang tới người xem những phút giây giải trí thú vị với cảnh chiến đấu mãn nhãn và câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn. Tới nay đã đi nửa chặng đường mùa một, Solo Leveling chứng tỏ sức hút, làm dấy lên hy vọng mùa kế tiếp. Việc chuyển thể thành anime cũng mở đường cho các webtoon và manhwa Hàn đến gần công chúng toàn cầu hơn. 

Review

________

Bài: Phạm Hằng, Minh Phúc

No more