Liệu chúng ta có đang sống trong thế giới ảo như phim “The Matrix”?

Bài ELLE Team

20 năm trước, bộ phim "The Matrix" (Ma Trận) ra mắt và tạo được thành công vang dội không chỉ về mặt doanh thu mà còn về mặt ý tưởng nội dung ấn tượng nhất lúc bấy giờ. Bộ phim kể về nhân vật chính Neo (Keanu Reeves thủ vai), một ngày bất ngờ nhận ra xung quanh anh thực tế chỉ là một “thế giới ảo” do các máy móc với trí tuệ cao (AI) tạo ra. Các AI sở hữu sức mạnh vượt trội đã áp bức, nô dịch loài người. Và liệu có khi nào bạn tự hỏi bản thân rằng, tất cả những gì chúng ta trải qua hàng ngày chỉ một một thế giới ảo hay một giấc mộng được lập trình mà bạn sẽ không bao giờ tỉnh giấc?

Vào khi vừa ra mắt, The Matrix khiến cả thế giới choáng ngợp với kỹ xảo đẹp mắt, các pha hành động dữ dội, phong cách mới mẻ và cốt truyện phức tạp nhiều ẩn ý. Và mặc dù viễn cảnh cả thế giới bị robot xâm chiếm có vẻ khá hoang đường; việc chúng ta, thực ra, chỉ đang sống trong một giả lập thì lại khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Thậm chí, theo các nhà triết học, điều này hoàn toàn có khả năng. Trải qua nhiều năm tháng, ý tưởng về một thế giới ảo này vẫn được rất nhiều người ủng hộ. Thực hư ra sao, hãy cùng ELLE Man tìm hiểu một số giả thuyết mà các nhà khoa học đã đưa ra nhé!

1. Xác suất chúng ta đang sống trong thế giới thực là một trên một tỷ

Năm 2001, Nick Bostrom, một triết gia đến từ trường Đại học Oxford, đã đưa ra nghiên cứu sơ bộ với ý niệm một siêu máy tính – với quy mô bằng một hành tinh – sẽ có khả năng chạy một chương trình giả lập trên thang đo đồng tỉ lệ với nhân loại. Bostrom cũng khẳng định với tờ nhật báo Vulture rằng ông chưa hề xem bộ phim The Matrix trước khi hoàn thành nghiên cứu này.

Theo nghiên cứu, máy tính này có khả năng tính 10 lũy thừa 42 thuật toán mỗi giây. Nó có thể mô phòng toàn bộ lịch sử loài người (bao gồm những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của chúng ta). Tất cả những điều đó, đều không tốn đến một phần triệu khả năng xử lý trên mỗi giây của nó.

Điều đó cũng có nghĩa là tất cả thế giới xung quanh ra chỉ là những điểm dữ liệu được lưu trữ trong một ổ cứng của một siêu máy tính khổng lồ. Ông kết luận: “Chúng ta chính là những nhân vật đang sống trong thế giới ảo của máy tính.”

15 năm sau, Elon Mush – nhà sáng lập của Tesla và SpaceX – tiếp tục củng cố lý thuyết này. Tại hội nghị Recode 2016, Musk đã chia sẻ rằng “xác suất chúng ta đang sống trong thế giới nguyên bản là một trên một tỷ.”

thế giới ảo the matrix-elon musk phát biểu
Elon Musk phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: David McNew/AFP/Getty Images

Ngày nay, Bostrum vẫn đang theo đuổi sự thật về mối quan hệ giữa con người và máy tính. Một viễn cảnh đáng sợ đã được ông đưa ra bàn luận tại hội nghị TED năm nay: “Nhân loại có thể bị hủy diệt bởi những công nghệ do chính chúng ta tạo ra”.

Bên cạnh đó, triết gia này cũng chỉ ra rằng cách khắc phục vấn đề này rất đơn giản: kiểm soát AI toàn diện.

2. Giả thuyết về thực tế của chúng ta là một trò chơi điện tử đa nhiệm khổng lồ

Rizwan Virk, nhà khoa học máy tính và tác giả của quyển sách “Giả thuyết về Sự mô phỏng,” trong bài phỏng vấn với Vox đã chia sẻ “rất có khả năng chúng ta đang sống trong một thế giới ảo.”

Virk quan niệm đây là “trò chơi điện tử của cuộc sống” và gọi nó bằng cái tên “sự Mô phỏng vĩ đại.” “Bạn có thể liên tưởng nó như một video game với độ phân giải cao và chúng ta đều là những nhân vật trong đó”, ông trả lời Vox.

Với kinh nghiệm của một nhà thiết kế đồ họa cho video game, Virk cho rằng rất khó phân biệt giữa thế giới thực và thế giới ảo mà chúng ta đang sống. Thế giới này tinh vi hơn các dòng game online tưởng chừng như đã rất “ảo” mà con người từng tạo ra, như Word of Warcraft hay Fortnite.

thế giới ảo the matrix-đồ họa game online
World of Warcraft là một trong những dòng game online mô phỏng thực tế phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: Blizzard

Ông cũng thừa nhận ra thực ra, không có ai có thể chắc chắn 100% về việc chúng ta đang sống trong thế giới mô phỏng; nhưng “có rất nhiều bằng chứng đang củng cố cho luận điểm này.”

3. Một số nhà khoa học đang cố gắng kiểm tra giả thuyết của Bostrum

Kể từ khi nghiên cứu của Bostrum được công bố, nhiều nhà khoa học đã cố gắng kiểm tra giả thuyết về thế giới ảo này.

Năm 2017, một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp báo Science Advances phản bác lại rằng điều này không khả thi vì những vấn đề về phần cứng. Cụ thể, nghiên cứu này cho rằng không có một máy tính nguyên bản nào có đủ bộ nhớ để mô phỏng tất cả các sự kiện trong cuộc sống cúng ta cũng như việc lưu trữ các thông tin.

Một nhóm các nhà vật lý học khác cũng đã thử tiếp cận các giả thuyết này bằng cách nghiên cứu các tia bức xạ vũ trụ. Họ mô phỏng không gian và các nguyên lý hạt nguyên tử trong đó bằng cách sử dụng các tọa độ trên lưới điều khiển.

Nhà vật lý học Silas Beane và các cộng sự đã đưa ra giả thuyết vào năm 2014, rằng có thể thế giới giả lập mà chúng ta đang sinh sống cũng sử dụng các hệ thống nguyên tắc này. Giả thuyết cho rằng một số các loại nguyên tử nhất định – như các tia bức xạ vũ trụ năng lượng cao – luôn tỏa ra mức năng lượng cao. Điều đó cũng có nghĩa là nguyên nhân của các giới hạn về cách thức hoạt động của chúng có thể là do các nguyên tắc của thế giới mô phỏng. “Luôn có khả năng các thế giới ảo, một ngày, phát hiện ra hệ thống những người lập trình chúng,” nhóm tác giả báo cáo.

4. Nhưng, chúng ta có thể sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời

Một số nhà khoa học tranh cãi rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết được liệu loài người có thực chất đang sống trong một thế giới ảo hay không.

Marcelo Gleiser, nhà vật lý học và triết gia tại trường Cao đẳng Dartmouth, chia sẻ với tạp chí New Scientist rằng việc cố gắng trả lời các câu hỏi của Bostrum với trình độ tri thức cũng như các giới hạn về kỹ thuật hiện tại gần như là không thể. Nếu chúng ta đang thực tế sống trong một giả lập, chúng ta cũng sẽ không có bất kỳ ý niệm nào về các nguyên lý hoạt động vật lý của “thế giới thực” ngoài kia. Chúng ta cũng sẽ không biết rằng ngoài các giả lập do chúng ta tạo ra, liệu có tồn tại một thuật toán kỳ vĩ nào khác ở thế giới bên ngoài – Gleiser chia sẻ.

Vì thế, tất cả những điều mà chúng ta nghĩ là chúng ta đã biết về các thuật toán máy tính hoặc các nguyên lý vật lý đều có thể là một khía cạnh khác của thế giới mô phỏng.

“Nếu chúng ta đang sống trong thế giới mô phỏng, điều đó cũng có nghĩa là hệ thống đo lường của nhân loại, theo lý, không đến từ tự nhiên. Chúng đại khái là những nguyên lý “nhân tạo” do các nhà lập trình nào đó tạo ra,” ông bày tỏ sự nghi hoặc với tạp chí Discover.

Bostrum, ngược lại, rất quả quyết rằng giả thuyết về thế giới ảo của ông là đúng. “Ở cấp độ meta, tôi vẫn chưa thấy bất kỳ bác bỏ nào thật sự hợp lý,” ông chia sẻ. “Vì những lý do đó, tôi sẽ tiếp tục tin tưởng vào những giả thuyết hiện tại của mình.”

Xem thêm: 

Các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm ra cách “tải” kiến thức trực tiếp lên não

Keanu Reeves – Người hùng cô đơn của Hollywood

Dịch: Dean. (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Hình ảnh và nguồn tham khảo: Business Insider)

No more