Kỹ năng 14/09/2023

8 cách giúp bạn kiểm soát căng thẳng tài chính trong thời gian khó khăn

Bài Tuan Anh

Năm 2023, việc cắt giảm nhân sự, suy thoái kinh tế, lạm phát, cũng như lãi suất ngân hàng ngày càng tăng đã dẫn đến những lo ngại đáng kể về mặt tinh thần cũng như tài chính của nhiều người. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu cách quản lý tài chính giúp bạn thoát khỏi căng thẳng trong thời điểm này.

Căng thẳng tài chính đang trở thành một vấn đề chung của nhiều người trong thời điểm hiện nay. Chúng ta hãy bước chậm hơn và ngồi xuống, hoạch định lại mọi thứ lại từ đầu. Đây là những tips nho nhỏ từ ELLE Man sẽ giúp được bạn một phần nhỏ trên con đường ổn định lại thu nhập của mình. 

7

1. Biết được chính xác mối lo ngại tài chính của mình là gì

Nếu bạn đang trải qua giai đoạn căng thẳng về mặt tài chính, điều đầu tiên cần làm là xác định nỗi lo âu đó xuất phát từ đâu, từ khía cạnh nào, từ đó giúp bạn vạch ra bước tiếp theo.

Chúng ta chắc hẳn sẽ có nhiều mối lo toan, từ những khoản nợ, vay thẻ tín dụng, học phí hay đơn giản là về tiền sinh hoạt phí. Ghi chép rõ ràng từng vấn đề khiến bạn đang đau đầu, và chọn thứ quan trọng cần được ưu tiên giải quyết. Nhưng nên nhớ bạn chỉ nêu ra những vấn đề nhức nhối, đừng liệt kê quá nhiều vì nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn. 

tài chính
Ảnh: Unsplash

2. Tạo ngân sách để ưu tiên những thứ chi tiêu cơ bản

Những gì bạn có thể kiểm soát được, hãy tập trung vào đó và đừng lo lắng về những thứ đang nằm ngoài tầm tay của mình. Nói về vấn đề quản lý căng thẳng tài chính, bạn cần đánh giá được các khoản chi phí của mình, và hiểu dòng tiền của mình sẽ chi trả cho những gì. 

Có một cách để bắt đầu đó là tạo ra danh sách cho các hạng mục cần chi trả trong một tháng, sau đó ưu tiên những chi phí thiết yếu và loại bỏ những khoản không cần thiết. Sẽ rất khó khăn trong việc quản lý tài chính nếu bạn không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng lúc này. 

Khi tạo ngân sách, bạn cần xem xét nó thường xuyên và chỉnh sửa nếu có bất kì thay đổi nào. Hãy cân nhắc việc tạo một khoản quỹ cho các trường hợp khẩn cấp để có thể trang trải khi xảy ra vấn đề cấp bách. Điều này cũng sẽ hạn chế những chi phí phát sinh đột ngột khiến bạn rơi vào khó khăn về tài chính. 

3. Cố gắng giảm thiểu những khoản vay

Các khoản nợ người thân hay thẻ tín dụng, đặc biệt là những khoản có lãi suất cao, có thể tiêu tốn gần như toàn bộ ngân sách hàng tháng một người. Vì vậy, bạn nên cố gắng giảm nợ nần một cách có hệ thống bằng cách duy trì tỷ lệ vay ở mức thấp hơn 40% so với thu nhập.

Việc trả hết các khoản vay sẽ giúp những danh mục chi tiêu hàng tháng được thong thả và nhẹ nhàng hơn, từ đó bạn sẽ bắt đầu tập trung vào việc tiết kiệm, đầu tư để tạo ra tài sản lâu dài. 

tài chính
Ảnh: Unsplash

4. Cân nhắc việc bán các tài sản nhàn rỗi

Mặc dù chúng ta đều hiểu rằng việc bán các tài sản như bất động sản, vàng hoặc tất toán các khoản đầu tư có thể khiến bản thân không thoải mái về mặc cảm xúc, nhưng đó là điều cần thiết trong tình hình tài chính hiện tại. Suy cho cùng, đây cũng là mục đích của việc đầu tư tài chính. Giữ những tài sản đó trong khi bản thân đang chật vật lo toan bao nhiêu khoản tiền thì cũng không hẳn là điều đúng đắn.

5. Tạo nguồn tài chính cho việc khẩn cấp

Bắt đầu bằng việc tích lũy những khoản nhỏ hàng tuần, hàng tháng cũng là cách xây dựng quỹ dự phòng của mình, và khoản tích lũy sẽ tăng lên khi tình hình tài chính của bạn cải thiện hơn.

Việc tạo được một khoản tài chính dự phòng cũng mang lại cho bạn cảm giác an toàn và giúp bạn xử lý được những chi phí phát sinh như bệnh tật, hư hỏng xe cộ, hoặc những tình huống đột ngột khác, từ đó hạn chế được nguy cơ nợ nần dẫn đến căng thẳng tài chính. 

tài chính
Ảnh: Unsplash

6. Bắt đầu những danh mục đầu tư của bạn

Nếu bạn chờ đợi thời điểm và thu nhập ổn định để bắt đầu lập kế hoạch đầu tư, thì sẽ rất khó để đạt được mục tiêu. Vì vậy, bạn nên bắt đầu tiết kiệm để cải thiện kết quả tài chính của mình càng sớm càng tốt. Ngoài ra, hãy giữ một phần nhỏ trong thu nhập của bạn và bắt đầu đầu tư sẽ phần nào giảm nỗi lo tài chính. 

7. S dụng bảo hiểm 

Bạn cần hiểu rằng gói bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm nhân thọ là một điều cần thiết để đảm bảo an toàn về sau. Bảo hiểm y tế có thể giảm bớt nỗi lo về tài chính khi không may bạn gặp các vấn đề về mặt sức khỏe. Bảo hiểm nhân thọ là một cách tích lũy lâu dài, dự phòng cho những tình huống xấu nhất xảy ra. 

tài chính
Ảnh: Unsplash

8. Tìm kiếm sự trợ giúp tài chính

Nếu sau một thời gian, bạn vẫn thấy những khoản vay không mấy cải thiện, hoặc bạn cần hướng dẫn cụ thể về cách đạt được mục tiêu tài chính dài hạn, hãy tham khảo ý kiến của một vài cố vấn tài chính đáng tin cậy. Mặc dù những người thân hoặc bạn bè có khả năng đề nghị hỗ trợ, nhưng bạn nên suy xét điều này để tránh mất lòng hoặc những xích mích vốn dĩ không đáng có. 

Tìm

___________

Bài: An An

Tham khảo: personalfn

No more