Cảm thấy stress là điều bình thường, đặc biệt nếu bạn đang phải đối mặt với deadline hoặc những nhiệm vụ đầy thử thách. Nhưng khi căng thẳng trở thành mãn tính, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Thực tế, không thể tránh khỏi căng thẳng ngay cả khi bạn đang có một công việc yêu thích. Tuy nhiên, có những cách mà bạn có thể thực hiện để giảm bớt tâm lý trên. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu.
1. Nhận thức rõ stress ảnh hưởng đến bạn thế nào
Đôi khi, có thể bạn đang đánh giá thấp mức độ căng thẳng ảnh hưởng lên bản thân. Hãy lưu ý những dấu hiệu khi bạn kiệt sức, tâm trạng trở nên bi quan vào cuối ngày.
Tiếp xúc lâu dài với căng thẳng có thể gây tổn hại cho cơ thể và sức khỏe tinh thần. Theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học PubMed cho thấy những mối liên hệ tiềm ẩn giữa tình trạng kiệt sức liên quan đến công việc với các chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.
Những dấu hiệu của stress:
– Mệt mỏi và cảm thấy thiếu năng lượng
– Nhức đầu và có thể mất ngủ
– Thay đổi khẩu vị, xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa
– Nhịp tim nhanh và dễ đổ mồ hôi
– Mất ham muốn tình dục, cơ thể yếu và dễ mắc bệnh
– Xuống tinh thần và mất tự tin
2. Viết lại những yếu tố khiến bạn stress
Hãy xác định và ghi lại các tình huống khiến bạn khó chịu, bởi đó có thể là những nguyên nhân khiến tình trạng stress của bạn trở nên tệ hơn như không gian làm việc không thoải mái hay đường đi làm hàng ngày quá xa.
Đồng thời, hãy viết cụ thể địa điểm, sự kiện, những người đã mang cho bạn những phản ứng về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Khi bạn viết, hãy tự hỏi:
– Làm thế nào mà những điều này khiến bạn sợ hãi, tức giận, tổn thương?
– Phản ứng của bạn là gì?
– Cách để bạn có thể tìm ra giải pháp giải quyết tác nhân gây căng thẳng trên?
3. Dành thời gian để nạp năng lượng
Hãy dành vài phút cho bản thân sau một ngày bận rộn. Hoạt động đó có thể là nghe radio, xem video vui nhộn,…
Điều quan trọng là bạn phải ngừng suy nghĩ về công việc bằng cách không kiểm tra email trong thời gian nghỉ hoặc ngắt kết nối vào buổi tối.
4. Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian
Đôi khi cảm giác choáng ngợp trước công việc bắt nguồn từ việc bạn chưa quản lý tốt thời gian. Hãy thử thiết lập một danh sách ưu tiên vào đầu tuần làm việc, sau đó sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng và lên kế hoạch để thực hiện.
Bạn cũng có thể đánh bại sự trì hoãn bằng cách dành ra những khoảng thời gian cụ thể mà bạn có thể tập trung cao độ để hoàn thành những công việc quan trọng nhất.
5. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân
Làm việc ngày đêm khiến bạn trở nên kiệt sức. Bạn nên vạch ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Điều này có nghĩa là bạn cần dành thời gian để giao tiếp xã hội, đồng thời thiết lập các quy tắc về thời điểm bạn sẽ check mail hoặc nhận các cuộc gọi về công việc.
6. Đánh giá lại những suy nghĩ tiêu cực
Khi trải qua những lo lắng và căng thẳng mãn tính, tâm trí chúng ta có xu hướng nhìn nhận mọi thứ tiêu cực và đi đến kết luận bi quan.
Ví dụ: Nếu sếp của bạn không nói lời chào với bạn vào buổi sáng, bạn có thể phản ứng với suy nghĩ là “ông ấy đang giận”.
Thay vì đưa ra những phán đoán sai, hãy thử tách bản thân ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực và đơn giản là chỉ quan sát chúng.
7. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ khi stress công việc
Nhờ sự giúp đỡ để giảm bớt áp lực và dành thời gian cho bản thân là điều rất cần thiết. Vì thế, hãy giữ liên lạc với những người bạn đáng tin cậy và các thành viên trong gia đình sẽ giúp bạn đối phó với những căng thẳng trong công việc.
8. Chăm sóc bản thân
Dành thời gian chăm sóc bản thân là điều bắt buộc. Hãy ưu tiên cho giấc ngủ, thực hiện vài thú vui giải trí và đảm bảo rằng bạn đang ăn uống đầy đủ.
9. Học các kỹ thuật thư giãn để giảm stress
Thiền, các bài tập thở sâu và chánh niệm đều có tác dụng làm dịu sự lo lắng của bạn.
Hãy bắt đầu bằng cách dành vài phút mỗi ngày để tập trung vào việc trân trọng hiện tại và tận hưởng một hoạt động đơn giản — cho dù đó là đi bộ một đoạn ngắn quanh công viên hay thưởng thức bữa ăn nhẹ tại bàn làm việc của bạn. Sau đó, hãy biến nó thành một thói quen
Dưới đây là một vài cách khác để xây dựng chánh niệm cho những thói quen hàng ngày của bạn:
– Đặt mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho tuần làm việc.
– Tải xuống một ứng dụng thiền mà bạn có thể sử dụng khi cảm thấy áp lực quá mức tại nơi làm việc hoặc trên đường bạn đi làm.
– Lên kế hoạch nghỉ giải lao 5 phút để thử các bài tập thở.
10. Tránh xa những xung đột ở văn phòng, nơi làm việc
Xung đột nơi làm việc có thể ảnh hưởng lớn đến tình trạng tâm lý của bạn. Hãy cố gắng tránh tham gia vào các tình huống ngồi lê đôi mách.
Nếu bạn biết rằng một trong những đồng nghiệp của mình đặt biệt hay buôn chuyện và tính khí nóng nảy, hãy dành ít thời gian hơn cho họ hoặc hướng các cuộc trò chuyện sang những chủ đề an toàn.
Một số chiến lược có thể giúp bạn đứng ngoài các cuộc tranh cãi:
– Nhấn mạnh những điều tích cực
– Bỏ qua cuộc trò chuyện có thể gây tranh cãi và thay đổi sang một điều gì đó không liên quan và bỏ đi. Ví dụ: “Tôi còn deadline sau bữa trưa và không thể ở lại để trò chuyện.”)
11. Giảm stress bằng cách từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Nếu bạn cần hoàn thành một bài thuyết trình để cảm thấy vừa ý nhất hoặc bạn cần phải làm thêm giờ để khiến bài báo cáo đã hoàn thành vài ngày trước trở nên hoàn hảo, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần dừng lại và suy ngẫm.
Mặc dù chủ nghĩa hoàn hảo có một số lợi ích tích cực, nhưng nó cũng có thể gây căng thẳng cao độ và khiến bạn kiệt sức. Hãy cố gắng kiểm tra các tiêu chuẩn cao của bạn bằng cách tập trung vào những nỗ lực bạn bỏ ra cho một dự án và không cá nhân hóa thất bại khi bạn phạm sai lầm.
12. Nghỉ dưỡng
Bạn có thể tạm “ngắt kết nối” để giúp bản thân thư giãn và xả hơi. Một kỳ nghỉ không phải làm việc hoặc chuyến đi rời khỏi nơi bạn sống vài giờ cũng có thể giúp lại “F5” lại bản thân.
13. Giao tiếp với quản lý trực tiếp của bạn
Nhận được sự hỗ trợ từ quản lý có thể giúp bạn giảm đáng kể cảm giác kiệt sức.
Hãy sắp xếp thời gian yên tĩnh để nói chuyện với cấp quản lý và bình tĩnh thảo luận về cảm giác choáng ngợp trước những nhiệm vụ dành cho bạn. Mọi thứ nên bắt đầu từ những vấn đề cần giải quyết, thay vì ca thán những khó khăn và phàn nàn.
Ví dụ: Bạn hãy nói mình muốn biết những yêu cầu và mong đợi của sếp với công việc bạn đang làm, đồng thời thể hiện mong muốn có cuộc sống riêng tư.
Nếu nhiệm vụ được giao có vẻ khó khăn hoặc bạn không có mối quan hệ tốt với sếp, hãy cân nhắc liên hệ với bộ phận nhân sự của công ty. Họ có thể gợi ý giúp bạn cách giải quyết để khắc phục sự cố.
14. Tìm kiếm sự tư vấn
Bạn không cần phải đợi đến lúc bản thân phát điên hay có các vấn đề trầm trọng với sức khỏe tâm lý mới tìm đến bác sĩ điều trị.
Các chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn xác định rõ hơn nguồn gốc gây ra căng thẳng và tìm ra cách giải quyết. Họ cũng có thể giúp bạn phát triển các chiến lược để giải tỏa căng thẳng và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
________
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: Healthline