Sức khỏe 20/08/2022

Trầm cảm ở nam giới và cách nhận biết

Bài Tuan Anh

Trầm cảm là một vấn đề đáng quan tâm của xã hội, nhưng những đối tượng được chú ý nhiều nhất vẫn là nữ giới và trẻ em, và phái mạnh thường không chú trọng điều trị căn bệnh trên. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu ảnh hưởng của bệnh với nam giới.

Đàn ông, phụ nữ và những người thuộc mọi bản dạng giới có thể bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ cao hơn nam giới. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng nam giới ít khi thừa nhận bệnh tật hoặc được nhận diện chính xác về trầm cảm hơn phái đẹp.

Thiền

1. Các triệu chứng của trầm cảm

Trầm cảm, hay rối loạn trầm cảm, là một rối loạn tâm trạng phổ biến và nguy hiểm gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cách người bệnh cảm nhận, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như ngủ, ăn uống hoặc làm việc.

Các triệu chứng tâm lý của bệnh nhân trầm cảm thường lặp đi lặp lại và kéo dài trên 2 tuần, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính, ngành nghề và tầng lớp lao động khác nhau.

Tuy nhiên do áp lực và định kiến xã hội, đối tượng nam giới ít được chú ý nhất khi bàn về trầm cảm. Các quý ông cũng có xu hướng che giấu đi các vấn đề về tâm lý của bản thân, hạn chế chia sẻ hay đến gặp bác sĩ tâm thần. Vô hình chung, điều này khiến cho bệnh tình của nam giới nặng hơn rất nhiều so với phái nữ.

Ảnh: Unsplash

Một số triệu chứng điển hình của trầm cảm:

– Cảm thấy đau buồn, tuyệt vọng hoặc trống rỗng

– Cơ thể khó chịu, tâm thần bất an: Luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, không thoải mái và lo lắng

Vấn đề với giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài

– Vấn đề về ăn uống: cảm giác chán ăn, ăn không ngon thường xuyên

– Không nhận được niềm vui từ các hoạt động thường ngày lúc trước từng yêu thích

– Ngại giao tiếp xã hội: Không muốn nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh

– Chậm chạp, không có hứng thú với bất kỳ điều gì: Chán nản, buồn rầu, mất cảm hứng đối với nhiều thứ, không duy trì được hưng phấn thậm chí không còn hưng phấn.

– Luôn bi quan trong mọi việc: Luôn nhìn nhận mọi việc một cách thiếu lạc quan, cảm thấy mọi thứ sẽ tồi tệ

– Luôn tự ti về bản thân: Luôn lo lắng bản thân kém cỏi, sợ hãi

– Có ý nghĩ tự tử hoặc đã từng tự sát

Các hành vi khác ở nam giới có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm – nhưng không được nhận ra sớm hơn bao gồm:

– Hành vi trốn tránh, như dành nhiều thời gian tại nơi làm việc hoặc chơi thể thao, quán cafe, quán rượu,…

Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích khác

– Có hành vi kiểm soát, bạo lực hoặc lạm dụng người và động vật khác thậm chí là với chính bản thân

– Có các hành vi liều lĩnh bốc đồng khó kiểm soát

Ảnh: Unsplash

2. Tại sao nam giới ít được nhắc đến khi nói về trầm cảm?

Thông thường, các đối tượng thường được chú ý và cần được chăm sóc về mặt tinh thần là người già, phụ nữ, trẻ em,… Trong khi đó, nam giới vốn được gắn liền với hình tượng của sự gai góc, cứng cáp, không thể phá vỡ, không uỷ mị. Điều này tạo ra một áp lực lớn cho nam giới cản trở việc chia sẻ và tìm cách chữa trị bệnh. Để đáp ứng chuẩn mực xã hội này, nhiều quý ông có thể đang tự làm tổn hại đến tình cảm, thể chất và tinh thần của chính bản thân họ.

Ngoài ra, nhiều người không được nuôi dạy đúng cách để nhận ra các dấu hiệu trầm cảm ít điển hình khiến họ không thể hiểu rõ bản thân đang gặp phải vấn đề gì. Một số người khác có thể nhận ra các dấu hiệu sớm từ ban đầu và cố gắng đấu tranh nhưng sau đó lại lo sợ sự đánh giá của người khác.

Kết quả là, khi nhiều nam giới trải qua các dấu hiệu của bệnh trầm cảm, họ bắt đầu làm việc nhiều giờ hoặc tìm cách lấp đầy thời gian của mình để bận rộn, thay vì tìm cách giải quyết căn bệnh trầm cảm.

Ảnh: Unsplash
10

3. Phương pháp điều trị

Trầm cảm thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp lập một kế hoạch điều trị được cá nhân hóa phù hợp nhất với từng người.

Bạn có thể bắt đầu điều trị các trường hợp trầm cảm ở mức vừa phải bằng cách lên lịch hẹn với nhà trị liệu tâm lý. Các chuyên gia sẻ gợi ý các hình thức chăm sóc cụ thể, tiêu biểu như: Liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân, liệu pháp tâm động học,…

Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, thuốc có thể được kê đơn ngay lập tức để giúp giảm bớt một số triệu chứng về thể chất, tinh thần, cảm xúc và hành vi của bệnh trầm cảm. Đây có thể là trường hợp của người có ý định tự tử hoặc người đã cố gắng tự tử.

Lưu ý rằng những loại thuốc này thường mất vài tuần đến vài tháng hoặc bắt đầu tạo ra sự khác biệt đáng chú ý trong cảm nhận của bạn. Hãy kiên nhẫn và bám sát vào kế hoạch điều trị.

Ảnh: Unsplash

4. Cách chăm sóc sức khỏe tinh thầ n của bạn

Bạn có thể thực hiện một số phương pháp nhằm chăm sóc và giảm thiểu căng thẳng tại nhà. Tuy nhiên hơn hết, bạn nên có sự đồng hành của người thân và chuyên gia.

Trò chuyện: Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng, chia sẻ cảm xúc bất an trong lòng là một điều khó khăn nhưng việc trò chuyện với người khác có thể giúp các quý ông giải toả được phần nào sự tiêu cực có trong lòng. Tiếp thêm sức mạnh để đối mặt với những khó khăn mà căn bệnh mang lại

Dành thật nhiều thời gian để nghỉ ngơi: Hít thở sâu và chậm khi cảm xúc bất ổn, dùng khăn lạnh hoặc những thứ mát mẻ áp vào mặt để tỉnh táo lại. Ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ cũng là cách để giải quyết vấn đề tinh thần

– Ghi chép: Ghi ra những dòng suy nghĩ của bạn vào một tờ giấy hoặc cuốn sổ, đốt đi những dòng suy nghĩ tiêu cực và giữ lại những thứ tích cực, đọc đi đọc lại ngẫm nghĩ về những điều mà bạn viết

Tạo cảm hứng: Hãy tìm về các hoạt động hàng ngày mà bạn yêu thích, kích thích lại cảm giác yêu mến ở trong bạn sẽ giúp ích phần nào

– Lên tiếng khi gặp khó khăn: Đừng bao giờ từ bỏ, nếu cảm thấy quá khó khăn xin hãy liên hệ đến các chuyên gia y tế hoặc các trung tâm hỗ trợ gần nhất.

Ảnh: Unsplash

_____________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Dương Ngọc Minh Châu

Tham khảo: healthline, mayoclinic

No more