Ăn kiêng không hẳn chỉ vì mục đích duy nhất là giảm cân. Một số chế độ khi thực hiện sẽ giúp bạn cải thiện thói quen, tập trung vào sức khỏe và có lối sống năng động hơn. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ việc điều trị, ngăn ngừa một số bệnh. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. DASH DIET
DASH (viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension) là một kế hoạch ăn uống được thiết kế để giúp điều trị hoặc ngăn ngừa huyết áp cao. Nó tập trung vào việc ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc. Ngoài ra, DASH thường chứa ít muối, thịt đỏ, đường bổ sung và chất béo. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn DASH cũng có thể giúp bạn giảm cân.
Tuy nhiên, bạn nên tránh việc ăn quá ít muối bởi nó có khả năng tăng tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, chế độ ăn ít natri không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả mọi người.
2. CHẾ ĐỘ ĂN KIÊNG MIND
Được đặt tên một cách khéo léo, chế độ ăn uống MIND ưu tiên các loại thực phẩm tăng cường sức khỏe não bộ. Phương pháp này không có kế hoạch ăn uống nghiêm ngặt mà thay vào đó khuyến khích ăn 10 loại thực phẩm cụ thể có lợi cho sức khỏe não bộ như quả mọng, dầu ô liu, các loại ngũ cốc, cá,…
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống MIND có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer của một người, làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và cải thiện khả năng phục hồi ở người lớn tuổi.
3. PHƯƠNG PHÁP ĂN KIÊNG ĐỊA TRUNG HẢI
Chế độ ăn Địa Trung Hải lấy cảm hứng từ các loại đồ ăn truyền thống của các nước vùng Địa Trung Hải như Ý, Hy Lạp, Pháp, Tây Ban Nha. Nó ưu tiên các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, đậu và cá, mang đến các lợi ích sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm cân và duy trì cân nặng. Lưu ý hạn chế hoặc tránh các loại thịt đỏ và thực phẩm có đường.
Qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia đã chỉ ra rằng chế độ ăn này chủ yếu dựa trên thực vật, tập trung vào axit béo không bão hòa cho nên cực kỳ tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn.
4. NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN
Nhịn ăn gián đoạn là một chiến lược ăn kiêng xoay vòng giữa thời gian nhịn đói và ăn uống.
Có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả phương pháp 16/8, bao gồm việc hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể của bạn ở mức 8 giờ mỗi ngày. Ngoài ra còn có phương pháp 5:2, là hạn chế lượng calo nạp vào hàng ngày ở mức 500–600 calo hai lần mỗi tuần.
Mặc dù chủ yếu được biết đến như một chế độ ăn kiêng để giảm cân, nhưng nó cũng đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe như tăng độ nhạy insulin, cải thiện sức khỏe não bộ, giảm viêm,… Đổi lại, nhịn ăn gián đoạn sẽ không phù hợp với một số người mắc chứng rối loạn ăn uống, tiểu đường, phụ nữ mang thai, cân nặng thấp,…
5. CHẾ ĐỘ ĂN KIÊNG MAYO CLINIC
Chế độ ăn kiêng Mayo Clinic tập trung vào việc thay thế những thói quen kém lành mạnh bằng những hoạt động tác động tốt đến sức khỏe và giúp giảm cân. Chế độ ăn kiêng này bao gồm hai giai đoạn:
– Giai đoạn đầu tiên: Kéo dài 2 tuần, được thiết kế để bắt đầu quá trình giảm cân của bạn bằng cách thêm 5 thói quen tốt, và phá vỡ 5 thói quen xấu.
– Giai đoạn thứ hai thiên về thay đổi lối sống được thiết kế để thực hiện lâu dài, khuyến khích bạn lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, đồng thời tăng cường vận động thể chất.
6. CHẾ ĐỘ ĂN ÍT CARB
Đây là một trong những chế độ ăn kiêng phổ biến nhất để giảm cân. Khi thực hiện Low-carb Diet, bạn cần ăn nhiều rau, thịt, cá, trứng, trái cây, các loại hạt và chất béo nhưng ít tinh bột, đường và thực phẩm chế biến sẵn.
Tuy nhiên, chế độ ăn uống này cũng không hẳn phù hợp với tất cả. Bạn không nên sử dụng với trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người thiếu hụt dinh dưỡng.
_______
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: Healthline