Sức khỏe 17/07/2023

Cách uống sinh tố giúp bạn khoẻ mạnh và không tăng cân

Bài Tuan Anh

Sinh tố được xem là thức uống tốt cho sức khỏe. Nó cũng là món được nhiều người dùng để hỗ trợ giảm cân. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu cách uống sinh tố có lợi cơ thể của bạn nhất.

Sinh tố là thức uống ngày càng phổ biến đối với những người theo chế độ eat clean. Trong khi một số loại sinh tố được chọn lọc từ thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe thì cũng không ít các món chứa nhiều đường, kem béo hoặc các thành phần không lành mạnh. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu sâu về thức uống này, bao gồm lợi ích và tác hại tiềm ẩn, cũng như khả năng giảm cân cho người sử dụng.

10

1. Thành phần của sinh tố bao gồm những gì?

Đây là một thức uống được kết hợp từ các thành phần như trái cây, rau củ, nước trái cây, sữa chua, sữa tươi hoặc sữa hạt. Bên cạnh đó, ta có thể bỏ các loại hạt được xay nhuyễn với đá. Sinh tố gồm hai thành phần chủ yếu là chất lỏng (sữa, nước, nước trái cây…) và chất nền (trái cây, rau củ, các loại hạt…).

Ảnh: Unsplash

Các thành phần phổ biến

– Trái cây: Quả mọng, chuối, táo, đào, xoài và dứa

– Rau: Cải xoăn, rau bina, rau mầm, bơ, dưa chuột, củ dền, súp lơ và cà rốt

– Các loại hạt/ bơ hạt: Hạnh nhân, đậu phộng, quả óc chó, hạt hướng dương, hạt chia, hạt gai dầu và hạt lanh.

– Các loại thảo mộc gia vị: Gừng, nghệ, quế, bột cacao, rau mùi tây và húng quế

– Các chất bổ sung dinh dưỡng và thảo dược: Tảo xoắn, bột matcha, bột protein và các chất bổ sung vitamin hoặc khoáng chất dạng bột

– Chất lỏng: Nước, nước ép trái cây, nước ép rau củ, sữa, sữa thực vật, nước dừa, trà và cold brew.

– Chất làm ngọt: Đường nâu, siro, mật ong, chà là, đường nước, nước ép trái cây cô đặc, kem.

– Các thành phần bổ sung khác: Phô mai, chiết xuất vani, yến mạch ngâm, đậu trắng nấu chín, đậu phụ, sữa chua hoặc sữa chua thuần chay.

Phân loại

– Fruit Smoothie: Như tên gọi, loại sinh tố này thường có một hoặc nhiều loại trái cây được pha trộn với nước trái cây, nước, sữa hoặc kem.

– Green Smoothie: Chứa nguyên liệu là các loại rau xanh và trái cây, nước trái cây hoặc sữa. Chúng có nhiều rau hơn các loại sinh tố khác và ít trái cây hoặc nước ép để tạo vị ngọt.

– Protein Smoothie: Món sinh tố này chứa nguồn protein cao từ sữa chua Hy Lạp, phô mai tươi, đậu phụ hoặc bột protein kết hợp với trái cây hoặc rau và chất lỏng.

Ảnh: Unsplash

2. Lợi ích của sinh tố với sức khỏe

Nhiều người sử dụng sinh tố như bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ. Đây là một cách tuyệt vời để kết hợp nhiều loại thực phẩm lành mạnh vào chế độ ăn uống của bạn.

Có thể giúp tăng lượng trái cây và rau quả nạp vào cơ thể

Sinh tố được làm chủ yếu từ sản phẩm tươi. Bạn có thể tăng mức tiêu thụ trái cây và rau củ nhằm cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa thiết yếu. Đồng thời, những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm viêm nhiễm, cải thiện tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, loãng xương, béo phì và suy giảm tinh thần do tuổi tác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 serving (khoảng 400gram) trái cây và rau quả mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không đạt được điểm này. Nếu bạn thấy mình không ăn đủ trái cây hoặc rau, sinh tố có thể là một cách dễ dàng và ngon miệng để bổ sung thêm 2-3 serving.

Ảnh: Unsplash

Hỗ trợ tăng tiêu thụ chất xơ

Chất xơ là thành phần dinh dưỡng quan trọng, hỗ trợ tiêu hóa bằng cách ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ sự phát triển của lợi khuẩn, giúp giảm viêm, thúc đẩy chức năng miễn dịch khỏe mạnh và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Hấp thụ đủ chất xơ cũng góp phần giảm các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2.

Tuy nhiên, nhiều người không đáp ứng được nhu cầu chất xơ hàng ngày của họ – đặc biệt là chế độ ăn kiêng phương Tây. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khuyến nghị nên tiêu thụ ít nhất 38 gam chất xơ hàng ngày đối với nam giới và 25 gam đối với nữ giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình hầu hết người Mỹ chỉ ăn 16 gam chất xơ mỗi ngày.

Với các thành phần phù hợp, sinh tố là một cách tuyệt vời để tăng lượng chất xơ cho chế độ ăn uống của bạn.

Ảnh: Unsplash

Vài loại sinh tố có chứa một lượng lớn đường

Sự khác biệt giữa một ly sinh tố tốt và không tốt cho sức khỏe phụ thuộc vào chất lượng và số lượng thành phần của nó.

Thêm đường làm giảm mật độ dinh dưỡng của sinh tố. Hơn nữa, thường xuyên tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường và bệnh gan.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị hạn chế lượng đường bổ sung không quá 9 thìa cà phê (37,5 gam) mỗi ngày đối với nam giới và 6 thìa cà phê (25 gam) mỗi ngày đối với phụ nữ.

Các loại sinh tố được chế biến sẵn trên thị trường thường có lượng đường bổ sung cao hơn so với các loại sinh tố tự làm. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng bơ hạt, bột protein, sữa chua có hương vị, mứt sốt trái cây, nước trái cây có đường và sữa đều là những nguồn có thể thêm đường vào thức uống của bạn.

Ảnh: Unsplash

Vì thế, nếu bạn uống sinh tố thường xuyên, hãy hạn chế các thành phần có đường càng nhiều càng tốt, đồng thời sử dụng trái cây như chuối chín để thêm vị ngọt thay cho mật ong hoặc các loại syrup.

Khi mua sinh tố làm sẵn, hãy cố gắng hạn chế hoặc tránh thêm đường, chủ yếu tập trung vào các nguyên liệu trái cây và rau củ tự nhiên. Đối với sản phẩm đóng chai, bạn có thể tìm thấy hàm lượng đường bổ sung ở bản thành phần.

3. Sinh tố có hỗ trợ giảm cân không?

Sinh tố thường được bán trên thị trường để hỗ trợ giảm cân. Nghiên cứu cho thấy thức uống này có thể đạt hiệu quả cho mục đích này miễn là chúng không vượt quá nhu cầu calo cho phép của cơ thể. Trong khi một số người thấy sinh tố là cách dễ dàng để đạt được mục tiêu giảm cân, thì những người khác lại không thấy no như lúc họ ăn chúng. Vì vậy, họ vẫn sẽ nạp thêm các bữa ăn trong ngày ngay cả khi đã uống sinh tố.

Ảnh: Unsplash

Cuối cùng, giảm cân là một quá trình phức tạp với nhiều yếu tố, nhưng điều quan trọng là bạn phải tiêu hao nhiều calo hơn lượng nạp vào. Hãy ưu tiên các nguyên liệu ít calo, giàu protein và chất xơ, món sinh tố của bạn có thể giúp bạn no cho đến bữa ăn tiếp theo. Trái cây nguyên chất, rau, bơ hạt và sữa chua ít đường hoặc không đường đều là những nguyên liệu tốt cho việc giảm cân.

Hãy nhớ rằng nhu cầu dinh dưỡng và khả năng giảm cân của bạn thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, mức độ vận động, tiền sử bệnh án và thói quen sinh hoạt.

12

___________

Bài: Thùy Dung

Tham khảo: healthline

No more