Album “Vũ trụ cò bay”: Bước thăng hạng của Phương Mỹ Chi

Bài Tuan Anh

Trở lại với hình tượng mới, Phương Mỹ Chi đánh dấu sự trưởng thành của bản thân mình trong một album ấn tượng, độc đáo và nhiều điểm nhấn thú vị mang tên "Vũ trụ cò bay".

Một thập niên trước, “cô bé dân ca” Phương Mỹ Chi đã làm nức lòng người hâm mộ với các bài hát mang đậm âm hưởng trữ tình, quê hương. Những tưởng đó là con đường cô sẽ theo đuổi trong thời gian dài, thế nhưng giữa năm 2022, Phương Mỹ Chi bất ngờ chuyển đổi hình tượng sang mảng nhạc Pop với dự án cover những bản ballad nhạc Việt như Mùa thu cho em, Hoa dại… theo lối hiện đại. Sau đó cô cũng ra mắt 2 single Vũ trụ có anh, Đẩy xe bò hợp tác cùng “cỗ máy tạo hit” DTAP chuẩn bị cho sự ra đời Vũ trụ cò bay.

vũ trụ có anh
Album “Vũ trụ có anh”. (Ảnh: Tư liệu)
Trần

Vũ trụ cò bay: Tận dụng được nhiều lợi thế

Gồm 10 bài hát được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học đã quá quen thuộc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phương Mỹ Chi đã rất thông minh khi biết tận dụng rất nhiều thế mạnh, từ kinh nghiệm của bản thân mình ở mảng dân ca, quê hương, bolero… cũng như khai thác khả năng sáng tạo âm nhạc thời thượng của DTAP và INUS – thế hệ kế thừa nhóm sản xuất trên. Điều đó khiến cho Vũ trụ cò bay không chỉ là một album folktronica (dân gian điện tử) đúng nghĩa, mà còn mang đậm dấu ấn của Phương Mỹ Chi và đầy khác biệt.

Sở dĩ nói thế vì ngay thời điểm ra mắt, dự án nhiều lần đã bị so sánh với các album của Hoàng Thùy Linh. Thế nhưng bằng việc tạo ra cách tiếp cận mới, tuy vẫn được sản xuất dưới bàn tay của DTAP, nhưng album này vẫn rất khác biệt và đầy sáng tạo. Ở đây tính Pop không quá nổi trội như thời của HOÀNG hay LINK, mà được cân chỉnh sao cho cân bằng với các yếu tố dân gian. 

phương mỹ chi
Tạo hình của Phương Mỹ Chi trong “Vũ Trụ Có Anh”. (Ảnh: Tư liệu)

Về mặt nội dung, đây cũng là 1 đĩa nhạc có concept thống nhất khi tái hiện lại rất nhiều hình tượng và câu chuyện chung. Có khi là bám rất sát với tác phẩm gốc, nhưng cũng có khi được “phái sinh” lại, như Đông – Tây kết hợp trong Vũ trụ có anh về Tấm và Lọ Lem, hay Chiếc thuyền ngoài sa vốn dựa trên nguyên tác gốc Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu…

Trong album này, Phương Mỹ Chi cho thấy được sự năng động của bản thân mình, khi không chỉ đóng góp giọng hát mà còn tham gia vào quá trình sáng tác và phần viết lời. Được sự hướng dẫn của DTAP, sáng tạo của nữ ca sĩ tương đối bắt tai và mang được dấu ấn riêng. Cô cũng cho thấy giọng hát có nhiều kỹ thuật, khi mang những nét đặc trưng từ âm sắc, từ ngữ cho đến văn hóa và cách hát của nhiều vùng miền vào dự án này. Như trong Gối gấm mượn chất liệu từ nhiều ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương, cô hát bằng chất giọng Huế khác biệt với những luyến láy, nhả chữ đặc trưng. Còn trong những ca khúc khác như Đẩy xe bò hay Chiếc lược ngà, Hai đứa trẻ thì dấu ấn miền Bắc và Nam lại khá nổi trội.

Phương Mỹ Chi
Phương Mỹ Chi trong MV “Đẩy xe bò”. (Ảnh: NVCC)

Phối trộn hài hòa

Thành công đầu tiên của Vũ trụ cò bay không thể không nhắc đến các bản phối của DTAP. Lấy nhạc điện tử làm nền, bằng cách sử dụng các âm thanh thời thượng như Future Bass, Disco, Dance-Pop… album có được yếu tố tươi trẻ và sự bắt tai. Cũng chính từ đây mà yếu tố dân gian được nâng tầm lên và đến gần hơn với thế hệ những người nghe mới. Dẫu vậy thì các điểm nhấn mang tính truyền thống cũng được khéo léo cài cắm, mang đến rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng.

Chẳng hạn nếu như nghe kỹ, có thể nghe ra tiếng trống, tiếng phách cũng như âm thanh gõ chén vô cùng đặc trưng của văn hóa Huế trong bài Gối gấm. Đi cùng âm sắc là cách viết lời: “Đêm say nghiêng hương nồng chén con đã cạn/ Dăm ba câu hứa hẹn, tình anh lý thuyết/ Ai nhớ ai không?”. Có thể nói rằng những tổng hòa trên đã tạo nên được tính Huế riêng biệt. Hay trong bản Pop sôi động Đẩy xe bò, yếu tố dân ca miền Bắc và quan họ Bắc Ninh cũng rất nổi bật trong phần bridge (chuyển), với lời ca có các hình tượng đã được sử dụng tương đối quen thuộc “Đong bát ngọc rơi/ Gió ngược lên trời”.

Phương Mỹ Chi
Hiện đại và Dân gian kết hợp. (Ảnh Phương Mỹ Chi)

Trong đó single mở đường Vũ trụ có anh có thể nói là sự kết hợp mang tính Pop nhất và đại chúng nhất. Sử dụng ý tưởng đa vũ trụ, ca khúc có sự kết nối câu chuyện cổ tích của hai nền văn hóa. Về mặt âm nhạc, DTAP khéo léo đẩy phần điệp khúc ra tận phía sau, ít nhiều tạo sự ấn tượng cùng cách nảy chữ đậm tính ca trù của Phương Mỹ Chi. Đoạn sample này cũng tương đối giống điểm nhấn trong bản hit Cure for Me của AURORA, nhưng được xử lý theo hướng future bass với âm thanh của đàn cò ấn tượng.

Thế mạnh miền Nam của nữ ca sĩ cũng được thể hiện trong các bài hát Bóng phù hoa, Chiếc lược ngàHai đứa trẻ. Trong đó với Bóng phù hoa, DTAP khéo léo xây dựng nó như một bản power ballad với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ở đó vẫn có đàn dây tạo nên “sức nặng” cho phần hòa âm, kết hợp với sáo, đàn cò… càng làm cho bầu không khí thêm phần đoạn trường. Với lời bài hát sử dụng nhiều hình tượng như văn bản gốc: “Trâm rơi/ Liễu phai tàn/ Chơi vơi én xa đàn/ Buông lơi vỡ tan một bóng hình/ Hạt ngọc dần buông rơi trên khóe mắt/ Tiếc trâm hoa vàng nổi trôi Hoàng Giang/ Đoạn trường tình ta giờ như giấc chiêm bao”, đây là ca khúc rất hợp để làm phần nhạc phim hay music score cho các tác phẩm điện ảnh cổ trang.

Dàn khách mời gồm NSƯT Kim Tử Long và Suboi cũng đẩy mạnh thêm ý đồ mang tính dân gian của Phương Mỹ Chi và DTAP. Trong khi Chiếc lược ngà có phần chuyển tiếp tương đối mượt mà giữa vọng cổ, trữ tình và bolero, thì ở Hai Đứa Trẻ, cách phát âm đậm tính “Saigonese” đặc trưng của Suboi và dân ca của Phương Mỹ Chi cũng khiến ca khúc trở nên bất ngờ. Sự tham gia của Suboi hay Pháo được tính toán kỹ, từ đó đóng góp những phong vị riêng vào trong bài hát mà không nhạt nhòa hay lạc quẻ, như Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh trước đó.

Phương Mỹ Chi
Ảnh: Tư liệu

DTAP cũng rất tinh tế thêm nhiều sample âm thanh như tiếng tàu, tiếng chuông, tiếng còi… ở Hai đứa trẻ, hay tiếng chim chóc, thiên nhiên… ở Đẩy xe bò. Để từ những điểm nhấn ấy, cả một không gian đã được tái hiện, mang được hiệu ứng về mặt hình ảnh. Nhạc đỏ cũng được khéo léo tận dụng trong Những ngôi sao xa xôi với tiếng trống hành quân, dàn kèn và các âm bass mang đến người nghe không khí năng lượng và bắt tai.

Trong khi đó Chiếc thuyền ngoài sa lại được phối khí như những bài hát nhạc kịch, với từng đoạn staccato kịch tính được sắp xếp khéo léo, mang được không khí điện ảnh vào trong bài hát. Giọng hát cao vút của Trung Quân cũng hợp lạ kỳ với ca khúc này, mang đến được sự nhẹ nhàng cũng như bay bổng. Bài hát cho thấy sự sáng tạo của nữ ca sĩ, trong việc chơi chữ giữa “xa” và “sa” như ngầm ý nói người phụ nữ đang bị mắc kẹt trong những trúc trắc của cuộc đời mình, gần như sẽ mãi tiến thoái lưỡng nan.

Từ những điều trên có thể nói rằng bằng sự kết hợp giữa tính hiện đại cùng các chất liệu dân gian làm nên tên tuổi, Phương Mỹ Chi đã mang đến một sản phẩm chất lượng, có sự giao thoa độc đáo cũng như mang đậm cá tính của nữ ca sĩ. Có thể nói rằng đây là dấu ấn quan trọng của dòng dân gian, trữ tình, quê hương, khi được đưa lên một đẳng cấp mới, tương tự tiếng vang 2 thập kỷ trước khi Cẩm Ly từ ngôi sao lớn của dòng nhạc Pop quyết định gắn bó lâu dài với những giai điệu mang tính truyền thống. Cùng ái của Tlinh, Vũ trụ cò bay là một trong những album ấn tượng nhất năm nay. 

Album

_____________

Bài: Tuấn Anh

No more